TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (9b)

Gallery

This gallery contains 1 photo.

Nguyên Lạc   (Kỳ 9b) VI. COGNAC – ĐỆ NHẤT MỸ TỬU (tt) “Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi,Trời đất mang mang ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường”Mỹ tửu hề đây chai … Tiếp tục đọc

ĐÊM GIAO THỪA

tet1
.
Có được gì đời lưu vong đất khách?
Ngoài vết thương sâu kín giấu trong lòng
Năm mới về nhức nhối lắm biết không?
Bao năm nữa? Quê hương bao năm nữa!
.
Bông tuyết trắng rơi rơi ngoài song cửa
Đêm giao thừa gió luồn lạnh qua khe
Rượu lữ thứ tay nâng mừng năm mới
Sao đắng môi? Lại lỗi hẹn câu thề!
.
Đã bao năm kể từ ngày dâu bể
Người xa người bỏ lại mảnh tình quê
Đời luân lạc đêm ba mươi nâng chén
Ta chúc ta sao lòng bỗng não nề!
.
Đêm đất khách giao thừa trời tuyết lệ!
Nhớ nắng xưa hồng thắm Tết quê nhà
Cố nhân ơi! Đón xuân nơi xứ lạ
Người phương nào? Lệ tuyết trắng thiết thê!
.
Dòng đời đó biết khi nao quay lại?
Cố hương ơi! Chờ ta nhé… ngày về!
.
Nguyên Lạc

 

 

THÁNG MƯỜI HAI

Nguyên Lạc

cropped-snow2.jpg
.
Trời chuyển mùa sáng nay cóng lạnh
Tháng mười hai! Cây tiếc lá rũ buồn
Tháng của nhớ nhung. Tháng của bâng khuâng
Ta nghe tiếng thở dài từng cánh gió!
.
Tháng mười hai! Ta mơ về phố nọ
Cùng bên ai hoa nắng lụa cúc vàng
Trời phương ấy vẫn thắm màu môi đỏ?
Mây vẫn hờn nhung tóc xõa thu sang?
.
Tháng mười hai! Rồi sẽ tuyết băng!
Sao không mãi thu? Mùa thu vườn cũ
Tiếng lá xạc xào, môi ngoan hé nụ
Tháng mười hai về giết chết vàng thu!
.
Tháng mười hai! Trời đầy những âm mưu
Bông tuyết trắng thập thò người có biết?
Trời có lạnh sầu mới thêm thê thiết
Tháng mười hai trời thức muộn mắt quầng
.
Tháng mười hai! Trời phương đó lạnh không?
Trong sương khói hình như em tóc xõa
Thời ngu dại dĩ nhiên tình đổ vỡ
Tình đầu nào người hỡi chẳng phù du?
.
Tháng mười hai cây rũ khóc sa mù
Ta cũng rũ nặng phiến sầu ngày cũ
Tình không thể nên tự lòng phủ dụ
Tình không thành dĩ nhiên nhớ thiên thu!
.
Nguyên Lạc

 
 

NHỮNG BÀI THƠ VỀ THU (2)

Nguyên Lạc
ThuDC-01
 
 
VƯỜN THU XƯA
.
Vườn xưa vàng lá thu rơi
Chốn xưa hoang vắng
Mồ côi chân ngày!
Bão đời vèo một áng mây
Tìm em. chỉ thấy chiều bay lá vàng!
Một người cùng với mùa sang
Xuân thu sương điểm mơ màng dáng xưa
Còn gì đâu nữa mà mơ!
Lật trang ký ức mấy tờ bể dâu
.
Giữ nhe em? chớ phai màu
Triền môi hồng thắm
Lụa đào cúc hoa
Giữ nhe em? chớ phôi pha
Ngây thơ mắt biếc khiến ta một đời
.
Vườn xưa lệ lá thu rơi
Tiếng thu khe khẽ: người ơi đừng về!
Âm vang hiu hắt chiều tê
Con chim cô lẻ thiết thê gọi tình
.
Gọi tình. ta cũng gọi tình
Em ơi còn nhớ chúng mình vườn thu?
Mùa thu lâu lắm mùa thu
Tình thu ngày đó sương mù phương nao?!
 
.
 
 
ĐỘC ẨM CHIỀU THU
.
Rượu rót về một phương
Đắng cay chén đoạn trường
Lữ khách sầu cô quạnh
Thu về nhớ cố hương!
Bao năm rồi tôi hỡi?
Từ cuộc thế tang thương
Đâu tri âm tri kỷ?
Cùng say khướt Hồ trường
.
Bao năm rồi tôi hỡi?
Tóc đời pha tuyết sương
Người bên trời luân lạc
Thu thương nhớ mùi hương
Bao năm rồi ly biệt
Lá vèo bay tứ phương
Đắng giọt chiều nuối tiếc
Nhan sắc giờ mù sương!
.
Tri âm! Này chén tiễn
An nghỉ nơi viễn phương!
Hồng nhan! Này chén nhớ
Khung trời đó yêu thương
Trong tận cùng khổ nạn
Tuổi xuân đầy tai ương
Sâu tận cùng ký ức
Nhức nhối đời tha hương!
.
Ai đã rồi miên viễn?
Ai đã rồi khói sương?
Ôi một đời mộng vỡ!
Thất chí lệ Hồ trường!
“Học chẳng thành công chẳng lập,
trai trẻ bao lâu mà đầu bạc,
trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi,
trời đất mang mang, ai là tri kỷ,
lại đây cùng ta cạn một hồ trường”
 *
.
Mắt cay độc ẩm hồ trường
Chiều thu xứ lạ tha hương nỗi sầu
“Hạc vàng không trở lại đâu”
Còn đây sương khói trắng màu thời gian!
.
Nguyên Lạc
…………………….
* Lời thơ Hồ Trường – Nguyễn Bá Trác 
 
 
 

 

NHỮNG BÀI THƠ VỀ THU (1)

Nguyên Lạc
 
.thu41
 
CHIỀU THU ĐẮNG KHÚC HỒ TRƯỜNG
.
         Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
         (Nguyễn Bá Trác)

.
1.
Quê hương có gì để nhớ?
Mà thu vàng mắt vời trông
Tha hương còn gì để nhớ?
Chút thôi, ký ức trong lòng
Chút thôi đủ lòng lệ ứa
Áo cơm nát mộng trăng rằm
Quá khứ tôi ơi thôi nhớ
Mây bay níu giữ được không?
.
2.
Lữ khách mùa về nhung nhớ
Người ơi có nhớ ta không?
Thu sang tiếng thu ru mộng
Nâng ly đắng khúc Hồ trường  
Tri kỷ? Chỉ là hoài vọng!
Bên trời miên viễn hư không
Thanh xuân đã rồi tan mộng
Còn gì? Lận đận mà thôi!
.
Thất chí tràn chén li bôi
Mời ai? Này bóng ta mời
Uống đi! Cho lòng ngất ngất
Say đi! Vừa đủ quên đời
.
3.
Quê hương một thời bão loạn
Quê hương một thuở đoạn trường
Tri âm hồng nhan xa biệt
Thế gian lệ khổ đại dương!
.
Thôi nhé đừng nhớ đừng thương
Phù vân đời đó vô thường
Người ơi thu về lại nhớ!
Trông vời mắt đỏ tà dương
.
Chiều thu lưu vong nhung nhớ
Xa kia nghìn trùng quê hương
Xa kia mộng đời ta đó
Một thời… hình bóng khói sương!
.
Chiều thu độc ẩm hồ trường
Nâng ly “hề vọng mỹ nhân”[*]
Em ơ!i một phương ta ngóng
Quê ơi! một trời ta thương
.
Nguyên Lạc
…………………….
[*] “Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương” – Tô Đông Pha

.TÌM LẠI THU XƯA
.
Đâu hoàng hoa vạt áo bay?
Đâu mây tóc mượt trói ai một thời?
Đâu mềm nhung mật phiến môi?
Em ơi có biết nay tôi tìm về
.
Mùa sang vàng lá tôi về
Tìm em. Chỉ thấy bốn bề tàn phai!  
Nơi đâu thu hỡi hình hài
Tiếng thu như tiếng thở dài chiều thê!  
 .
Còn không em những đam mê?
Còn không em những hẹn thề thuở nao?
Đừng quên em nhé tình nào!
Đừng quên em nhé ngọt ngào vườn thu!
.
Giữ giùm tôi nhé mùa thu *
Để tôi cứ tưởng tình như vẫn còn
Vẫn còn mãi mãi vẫn còn
Khanh ơi tình đó chẳng mòn phải không?
.
Thời gian dù có trăm năm
Trong tôi tình vẫn y nguyên ngày nào
Y nguyên qua cuộc bể dâu
Y nguyên dù lắm thương đau kiếp đời
.
Nguyên Lạc
……………………
* Mượn ý câu thơ: “Giữ giùm tôi, em nhé, một mùa thu” – Lê Văn Trung
 
 
 
 
 

CẢM ƠN HOA VẪN NỞ

Nguyên Lạc
hoahong
.
Cảm ơn hoa đã nở!
Nhưng chỉ mới tháng mười?
Hay Dã quỳ thương nhớ?
Nên nở sớm thế thôi
.
Lâu thật lâu rồi đó
Quỳ chẳng nở đúng mùa
Cảm ơn hoa nhắc nhở
Màu héo úa phe thua
.
Cảm ơn hoa vẫn nở
Vàng nhớ một màu cờ
Đã một thời rực rỡ
Vẫn hoài trong tâm mơ
.
Cảm ơn hoa vẫn nở
Vì ta, dù trái mùa
Không trộn vàng trộn đỏ
Vàng biếc vẫn chưa bưa
.
Cảm ơn hoa vẫn nở
Nhắc ta nhớ màu cờ
Dù truân chuyên muôn nỗi
Lòng ta vẫn như xưa
.
Nguyên Lạc
 
 
 

QUÁN TRỌ

Nguyên Lạc

thoi gian
.
Cuộc đời như quán trọ
Ai cũng từng ghé qua
Một lần rồi từ giã
Buồn hay vui cũng là
.
Cuộc đời như quán trọ
Hơn thua để mà chi?
Giành giật được những gì?
Cho lòng đầy sân si
.
“Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần” *
(Trời đất là quán trọ
Thương cát bụi ngàn năm)
.
Cát bụi đời cát bụi
Duyên hợp rồi duyên tan
Cát bụi về cát bụi
Hư không hoàn hư không!
.
Quán trọ là cõi tạm
Cuộc lữ người ghé chân
Hạnh ngộ rồi vĩnh biệt
Hay sẽ là trăm năm?
.
Ngắn dài là số phận
Sang hèn tùy nhân duyên
Cuộc đời như quán trọ
Ra đi nhớ “trả tiền”!
………….
* thơ Lý Bạch
.
Nguyên Lạc

TẬP THƠ TÌNH KỶ NIỆM

Nguyên Lạc
 

.
Đây tập thơ tình gởi em ngày ấy
Dù dở, dù hay thơ vẫn nồng nàn
Tình thơ của anh em rảnh xem lại xem
Tiếng lòng anh thì thầm thời trai trẻ
Tiếng tình anh rù rì tai em khẽ
Nhẹ nhàng như cánh phượng hồng rơi vương tóc em bay
.
– Lật tập thơ ra bỗng thấy tấm ảnh ai
Hổng phải ảnh tui hồi thời con gái
Lạ hoắc lạ huơ giống con gà mái
Chết nhe ông! Tui xé xác ông đây!
.
– Thôi chết anh rồi! Cái “ông thần” này
Là thằng bạn mượn tập thơ anh đọc
“Học nghề” xong nó chơi “trò độc”
Nhét ảnh ai vào rồi trả lại anh!
.
“Mi” cái nha cưng? Anh chỉ biết cưng
Đừng giận nó nha?  Thằng bạn “mắc dịch”
Quên chuyện đó đi, cái trò đùa nghịch
Và đừng giận hờn, rồi mắng: “mắc dịch” anh
.
Ngẫm lại đúng rồi anh “mắc dịch” em
Vi khuẩn ngọt ngào quế hương môi đỏ
Vi khuẩn mượt mà tóc nhung sợi nhỏ
Buộc chặt hồn anh muôn thuở em ơi!
Buộc chặt tim anh hết cả kiếp đời
Và cứ tiếp tục đến ngày tận thế!
.
Có phải vậy không? “Ái khanh” bé nhỏ
Dịch bệnh như vầy “trẫm” sao thoát đây?
Khiếp quá khanh ơi! Dịch bệnh tình này
Em là thiên đàng hay là địa ngục?
.
Nguyên Lạc

 
 

VẪN CÒN TÌNH MẸ

Nguyên Lạc
me vn

.
      “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
       Năm canh chầy thức đủ vừa năm”
 (Ca dao)
.
Tôi về… Bước khẽ nhà góc vắng
Bóng mẹ còm hom ảm đạm sầu
Mắt mẹ trông vời phương thăm thẳm
Con đã về mẹ dõi xa đâu?
.
Mười năm mong đợi mười năm nhớ
Thương nhớ tháng năm bạc mái đầu
Mắt mẹ đã mù vì lệ đổ
Khóc con xa biệt tích rừng sâu
Tôi về bước khẽ ôm tròn mẹ
Mẹ mỏng nhẹ như chiếc lá trầu
Ngơ ngác đảo quanh tay quýnh quáng
Con của tôi về… về thật sao?
.
Xuân thu mãi đợi đêm không ngủ
Nhớ con thơ dại… nhớ lời ru
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ”
Con biệt mù mẹ vẫn cứ ru
– À ơi lạnh lắm rừng thu!
Con tôi trại thảm ngục tù (có) ngủ an?!
.
Mười năm mẹ mong con an ngủ
Để quên đời… địa ngục trần gian!
Giờ con về con ru mẹ ngủ
Lời ru buồn như gió thu than
.
Bao năm mẹ đã ru con
Giờ con ru lại lời buồn mẹ ru
Tháng ngày chờ nhớ thương không ngủ
Con về rồi mẹ ngủ cho ngoan
– “À ơi mẹ ngủ cho ngoan
Con ru mẹ ngủ… ru than phận mình”
.
Mười năm cơ khổ tử sinh
Ơn đời độ lượng… còn tình mẹ tôi!
.
Nguyên Lạc

VIẾT HOA VIẾT THƯỜNG/ CÁC DẤU TRONG CÂU

Gallery

This gallery contains 1 photo.

 Nguyên Lạc .VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG? Viết hoa (upper case), viết thường (lower case) là một vấn đề tế nhị, cần bàn thảo kỹ lưỡng. Thấy một số bạn, nhất là các bạn trẻ ở VN viết hoa các … Tiếp tục đọc

Đọc lại “Cõi Đá Vàng”của Nguyễn Thị Thanh Sâm (kỳ 4)

Gallery

This gallery contains 1 photo.

Nguyên Lạc . (Tiếp theo kỳ 3) .Kế hoạch thanh toán Phạm Huỳnh và Nguyễn Trần . Nàng xoay người, choàng cánh tay ôm ngang qua ngực chàng:– Thế anh tên là gì nào?– Anh tên là Huỳnh. Nàng kêu … Tiếp tục đọc

Đọc lại “Cõi Đá Vàng” của Nguyễn Thị Thanh Sâm (kỳ 3)

Gallery

This gallery contains 1 photo.

Nguyên Lạc .(Tiếp theo Kỳ 2) .Đơn xin ra khỏi Đảng của Trần .Từ lớp chỉnh huấn. Trở về, Trần ngã bệnh nặng, được chị Hiếu, một thiếu phụ góa chồng có hai con, hơn chàng mười tuổi, hết lòng … Tiếp tục đọc

VỀ CHI?

Nguyên Lạc

chim bay
.
Hỏi quê cây cỏ lắc đầu
Hỏi chiều chim vịt kêu sầu bên nương
Hỏi mây biếc thẫm tà dương
Hỏi mùa gió chướng lạnh luồn lách lau!
Hỏi tình tôi biết hỏi đâu?
Hỏi tôi sao lại quay đầu về chi?
Đã rồi cuộc ấy ra đi
Ra đi có nghĩa biệt li nghìn trùng!
Bể dâu trời đất não nùng?
Tìm chi quá khứ mịt mùng mây trôi
“Nước sông Hoàng bất phục hồi” [*]
Làm sao níu được dòng đời mà mong?
Bâng khuâng Từ Thức nhớ không?
Ngẩn ngơ chốn cũ… Thôi đành thế thôi!
Thôi thì trở lại phương mây
“Chong khuya khêu nguyệt” tháng ngày buồn tênh!
…………..
[*] Thơ Lý Bạch
.
Nguyên Lạc

DÕI TÌM TRÊN SÔNG NGàBẢY

Nguyên Lạc  
 
 
.
I.
Dòng sông chia nhánh làm bảy ngả
Biết ngả nào tôi dõi em đây?
Xuôi dòng con nước ngày xưa ấy
Bỏ lại mình tôi khóc ròng đầy
Bỏ lại mình tôi bên bãi vắng
Cây bần buồn rụng trái nào hay!
Bìm bịp kêu giọng khàn tiếng khổ
Nước lớn đầy bảy ngả mù mây!
Tìm em tôi biết tìm đâu hở?
Biết ngả nào tôi dõi em đây?
.
Em giờ mù mịt khói mây
Đêm sông Ngã Bảy sương gầy cuộc đau
Tìm em tôi biết tìm đâu?
Ngẩng đầu thê thiết ngàn sao lệ người!
.

II.

Dòng sông chia nhánh làm bảy ngả
Biết ngả nào tìm kiếm em đây?
Người xưa về lại dòng sông ấy
Chỉ thấy tàn phai khóc tháng ngày
Bao năm li biệt bao năm nhớ
Bảy ngả người ơi mây trắng bay!
Khói sóng mịt mùng vương cay mắt
Dõi ngả nào đây dáng em gầy?
.
Dòng sông chia nhánh đời bảy ngả
Thôi nhé làm sao không đắng cay?
Còn đâu bờ bến yêu thương cũ
Hết rồi xuân mộng mắt môi say!
Cách chi tìm lại dòng sông ấy?
Một thời tuổi trẻ… trắng mây bay!
.
Nguyên Lạc  

NỤ TỪ BI / THỦY SƠN

 
Nguyên Lạc
Phật
 
 
NỤ TỪ BI
 
Bao năm đời đã truy tìm
Ngộ ra ý nghĩa nhân sinh những gì?
An lành môi mỉm từ bi
Thế gian có hiểu huyền vi nụ cười?
.
 

THỦY SƠN
 
Sơn chẳng có, thủy cũng không
Chân tâm soi rạng núi sông đó mà
Thủy sơn trong cõi ta bà
Hữu sinh hữu diệt lời ta nằm lòng
Có không, không có núi sông
Bao năm tu học thủy sơn vẫn là [*]

Sớm mai gầy lại giấc trà
Ấm reo tâm mở hương hoa lời người
……………
[*] Thiền sư Duy Tín tóm tắt những giai đoạn trong đời tu của mình như sau :
“Trước khi gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông.
Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông.
Sau ba mươi năm tu học, tôi lại thấy núi sông là núi sông” 
 
 
 
 

NGÀY TỪ MẪU (MOTHER’S DAY)

Nguyên Lạc

motherAndChild_BeKy
NGÀY CỦA MẸ
.
Ngày của Mẹ (Mother’s Day) được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai trong tháng Năm (the second Sunday in May), khi những người mẹ được con cái tôn vinh. Nhiều quốc gia kỷ niệm Ngày của Mẹ, thường vào tháng Năm, như một ngày để tôn vinh những người mẹ. Ở Anh, Ngày của Mẹ, hay Chủ nhật Làm mẹ, đã được tổ chức hàng trăm năm vào Chủ nhật thứ tư của Mùa Chay (thường là tháng Ba hoặc tháng Tư). Tại Hoa Kỳ, trẻ em bày tỏ tình cảm của mình đối với mẹ thông qua quà tặng, hoa, thiệp chúc mừng và các vật phẩm tri ân khác Ngày Mẹ đầu tiên ở US thường được công bố bởi nhà hoạt động Julia Ward Howe vào năm 1870 ở Boston để thúc đẩy hòa bình sau cuộc đổ máu của Nội chiến Hoa Kỳ. Vào đầu thế kỷ 20, Anna Marie Jarvis đã tổ chức Ngày của Mẹ để tôn vinh mẹ của bà (còn có tên là Anna Jarvis), người đã đấu tranh cho hòa bình cũng như sức khỏe và sự an toàn của người lao động. Jarvis đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ với quy mô lớn. Ý tưởng đã được sự chấp nhận rộng rãi. Năm 1910, tiểu bang Tây Virginia lần đầu tiên công nhận Ngày của Mẹ là một ngày lễ, và tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã ký một tuyên bố vào năm 1914 tuyên bố: Chủ nhật thứ hai trong tháng 5 là “Ngày của Mẹ” (the second Sunday in May: “Mother’s Day”).
.
MỘT BÀI VIẾT BUỒN VỀ MẸ

Xin trích đoạn ra đây một bài viết về mẹ của nhà văn T Vấn:
[…
Một người bạn tôi vừa mới mất mẹ. Mẹ anh đã thọ được 75 tuổi và có lẽ sẽ sống thêm vài năm nữa nếu bà không mắc phải căn bệnh tiểu đường dai dẳng. Trong những bức điện thư gửi cho tôi, anh biểu lộ một tâm trạng rất chán nản, buồn rầu. Thậm chí anh quyết định ngưng một số công việc thường ngày liên quan đến sách vở viết lách mà anh xem đó như là những khoảnh khắc hoàn toàn thoát tục, giúp anh tạm quên mọi phiền toái của cuộc sống. Tôi chẳng may mất mẹ từ năm 10 tuổi. Tất cả hồi ức của tôi về mẹ là hình ảnh người đàn bà vừa hơn 30 tuổi đời, tấm thân gầy đét khô quắt vì sự tàn phá của vi trùng ung thư, nằm thoi thóp đợi chết trong căn nhà tồi tàn thuộc khu xóm nghèo Vườn Chuối, Sài Gòn. Khi bà qua đời, tôi đã khóc những giọt nước mắt cuối cùng của tuổi thơ ngắn ngủi. Và sau đó, tôi sống cuộc đời mình như cỏ hoang mọc dại – mồ côi mẹ liếm lá đầu đường – Cho nên, đến bây giờ, đã sống gần hết một đời người, tôi vẫn như còn cảm được nỗi đau mất mẹ ở một người lớn tuổi như anh bạn tôi nó sâu sắc cỡ nào, chứ không đơn giản chỉ là cảm thức mất mát một người thân yêu, đã từng sống với mình bao nhiêu năm trời, đã từng gần gủi chia sẻ với mình bao đắng cay ngọt bùi.
Nỗi đau mất mẹ lớn hơn và khác hơn nhiều cái cảm thức thông thường ấy.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh một người mẹ lặn lội đường xa từ một làng quê miền Tây đến thăm con mình ở trại cải tạo Long Giao, trên tay bà chỉ có mỗi lon Guigoz mắm ruốc. Bà nghèo quá không thể lo hơn được nữa cho con. Nhìn hai tấm thân gầy gò ôm nhau khóc bên hàng rào kẽm gai – một của người mẹ, một của người con cải tạo – tôi hiểu hơn được một chút nỗi bất hạnh lớn lao của mình. Lúc ấy, tôi ước gì ít nhất mình cũng có một người mẹ nghèo như thế để được ôm, để được khóc. Tôi – kẻ mồ côi liếm lá đầu đường – được một cô gái trẻ và đẹp đến thăm. Cô mang cho tôi rất nhiều thứ: tình yêu, nước mắt, tấm lòng chung thủy (cánh hoa mỏng manh trước gió của một thời oan nghiệt), những túi quà nặng trĩu. Nhưng với tôi, cô gái ấy vẫn chỉ là một người con gái yêu tôi và tôi yêu. Mà tình yêu trong thời thổ tả ấy, với thân phận Từ Hải chết đứng, nhắm mắt đưa chân vào chốn lao tù không biết đến ngày về, thì làm sao trông cậy được vào nghị lực nhỏ nhoi của một người con gái. Sau lần gặp gỡ đó, tôi lầm lũi bước chân xuống tàu ra Bắc. Và tất nhiên, đường xa diệu vợi, thời gian cũng dài thăm thẳm, làm sao tôi dám nghĩ có một ngày được nhìn lại người con gái ấy. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều, người mẹ nghèo khổ gầy gò tội nghiệp của anh bạn cùng tù, nếu sức khỏe bà cho phép, sẽ một ngày có mặt ở chốn đèo heo hút gió này thăm anh, có thể cũng chỉ với lon Guigoz mắm ruốc nhiều muối hơn và tấm thân gầy gò xơ xác hơn. Nhưng có hề gì, tấm lòng thương con to lớn của bà – cũng như bao bà mẹ khác -vượt lên trên hết những nhỏ bé phù phiếm ấy, vượt lên trên hết con đường thăm nuôi Bắc Nam vạn dặm, vượt lên trên hết những năm tháng dài dằng dặc có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến một ngày về. Với bà, bất kể mọi đổi thay của thời thế, của đất trời, con của bà vẫn cứ mãi mãi là con của bà. Mà dẫu cho bà không thể một lần ra thăm con nơi đất Bắc, thì căn nhà của bà – túp lều tranh dột nát bên bờ ruộng cằn – vẫn sẽ là chỗ cho con bà trở về, nếu quả thật có một ngày về và nếu anh còn sống sót để trở về.
Còn tôi, tôi đã sống sót sau nhiều năm khổ ải và đã có một ngày về. Nhưng người con gái tôi yêu không còn đó để đón tôi ngày tôi thoát kiếp tù đày. Tôi không hề trách móc nàng, vì thử thách ấy lớn quá đối với rất nhiều người con gái của thế hệ tôi năm xưa. Ngay cả những người vợ còn đành chịu thua số phận, huống gì là những người tình.
Bước những bước chân buồn tênh trên đường ra khỏi cổng trại giam, tôi nghĩ đến bà mẹ già nghèo khổ và anh bạn cùng tù tôi đã gặp nhiều năm về trước. Anh về trước tôi vài tháng. Hẳn bước chân anh rất hân hoan cũng trên con đường đất đỏ tôi đang đi. Vì anh có một chỗ để trở về. Và biết mình sẽ được chào đón bằng cả một tấm lòng của người mẹ…] – [T.Vấn: Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường]

VÀI BÀI THƠ VỀ MẸ

Hy vọng rằng người bạn tù của nhà văn T. Vấn khi về không gặp cảnh buồn như bài thơ sau đây:

1. Lời Ru
(Nguyên Lạc)
.
1.
Người về trông trước nhìn sau
Buồn tanh mối cứa góc sầu nhà xưa
Con về mẹ biết hay chưa?
10 năm về lại… bàn thờ ảnh ai?!
Vườn xưa nghiêng bóng sầu dài
Tiếng con chim khách bên tai trêu người
Đường đê khói thả lũng trời
Vịt chim khàn tiếng nên thôi kêu chiều
Bờ tre một bóng cô liêu
Người xưa về lại “chín chiều ruột đau”
10 năm còn lại gì đâu?
Ai đem xương máu thay màu quê hương!
.
2.
Quê tôi một thuở đã từng…
Người về thống hận tang thương cuộc nào
Mẹ giờ đã mất thật sao?
Lưng tròng ảnh mẹ…
Nhớ câu ru buồn
“Mùa thu con ngủ cho ngoan”
Những lời ru đó ngàn năm vẫn còn
Mẹ ơi phương viễn đừng buồn
Để con ru lại lời thường mẹ ru
.
– À ơi mẹ hỡi mùa thu
Cha con giờ đã ngục tù mạng vong!
Còn gì đâu nữa mà mong
Ngàn năm vĩnh biệt đoạn trường bể dâu!

-À ơi mẹ hỡi mùa thu
Lời con ru mẹ cũng ru phận mình
À ơi tôi hỡi nhân sinh
Đại dương lệ khổ thôi đành… đành thôi!
.
Hoặc ít nhất cũng khá ổn như bài thơ sau đây:

2. Vẫn Còn Tình Mẹ
(Nguyên Lạc)
.
1.
Tôi về… Bước khẽ bên góc vắng
Bóng mẹ còm hom ảm đạm sầu
Mắt mẹ xa vời phương thăm thẳm
Mẹ thấy gì không? Lệ xót đau!
Mười năm mong đợi mười năm nhớ
Thương nhớ tháng năm bạc mái đầu
Mắt mẹ đã mù vì lệ đổ
Khóc con xa biệt tích rừng sâu
.
2.
Tôi về bước khẽ ôm tròn mẹ
Mẹ mỏng nhẹ như chiếc lá trầu
Ngơ ngác đảo quanh tay quýnh quáng
Con của tôi về … Về thật sao?
Bao năm mãi đợi đêm không ngủ
Nhớ con thuở dại … nhớ lời ru
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ”̉
Con biệt ngàn mẹ vẫn cứ ru!
À ơi lạnh lắm rừng thu
Con tôi trại thảm biệt mù… ngủ ngoan!
Bao năm mẹ đã ru con
Giờ con ru lại lời buồn mẹ ru
.
3.
Mười năm mẹ mong con yên ngủ
Để quên đời… địa ngục trần gian
Giờ đã về con ru mẹ ngủ
Con về rồi mẹ ngủ cho an!
À ơi mẹ ngủ cho ngoan
Con ru mẹ ngủ… ru than riêng mình
Mười năm cơ khổ tử sinh
Ơn đời độ lượng… còn tình mẹ tôi
.

MỪNG NGÀY TỪ MẪU

Xin được dùng bài thơ sau đây để kết thúc bài viết về mẹ

Mừng Ngày Của Mẹ
(Happy Mother’s Day)
.
“Bạn ở bên Texas, khoe trời có nhiều mây: những chùm hoa đang bay để tới Ngày Của Mẹ!…
Tôi đáp lời bạn vậy… Tin Los sẽ có mây… mây bay và trăng bay… bạn qua đây cùng ngắm…
Thương một tình xa lắm, đó là Tình Cố Hương!
Đó là khúc Đoạn Trường, đó là hoa nức nở…
Má ơi con về nhé/ ngả vào lòng Má, hôn. Bên Má, tình Má Con. Bên trời là giọt lệ…”
(Happy Mother’s Day – Trần Vấn Lệ)
*
Thôi tôi xin khất hẹn
Đâu mà chẳng có mây?
Đâu mà chẳng mắt cay?
Cao ốc, đèn xanh đỏ
.
Đèn Cali ngọn tỏ
“Đèn Mỹ Tho ngọn lu”
Texas đèn màu thu
Màu quê hương tôi nhớ
.
Có gì mà nức nở?
Đâu cũng là quê hương
Có gì mà đoạn trường?
Chắc vì bị từ bỏ?!
.
Bạn ơi tôi hỏi nhỏ
Thật nhớ quê hương không?
Nhớ mẹ có nhói lòng?
Hỏi chi “Con về nhé?”
.
Quê hương tôi luôn nhớ
Dù đã bị chối từ
Mẹ người tôi yêu quý
Mẹ trong lòng thiên thu!
.
Quê hương tôi là Mẹ
Mẹ cũng là quê hương
Mẹ ơi khúc đoạn trường
Mẹ đâu rồi?… Dâu bể!
.
Làm sao tôi có thể
Gặp lại được Mẹ đây?
Trời có những đám mây
Bay về đâu… mây lệ?
.
Đúng là tôi thật tệ
Happy Mother’s Day
Mà tôi không happy
Không nói “Con về nhé”
.
Làm cách nào có thể
Gặp lại Mẹ mà về?
Mẹ rồi đã cùng Cha
Tan mờ trời phương viễn
.
Con không về đưa tiễn
Buồn lắm Cha Mẹ ơi!
Từ ngày vượt trùng khơi
Đành “nghìn trùng xa cách”
.
Chiều nay nơi Texas
Trên trời có nhiều mây
Hình như mắt cay cay
Đã tới Ngày Của Mẹ
.
Happy Mother’s Day!
Happy ngày của Mẹ!
Happy… sao ngấn lệ?
“Bông hồng trắng” ngực tôi [*]
.
Sẽ không phải người hiền
Nếu quên tình cha mẹ
Chắc chắn là rất tệ
Nếu không nhớ quê hương
…….
[*]”Vào ngày Mẹ (Mother’s Day), nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và người đó sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu ai mất mẹ, sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng” – Bông Hồng Cài Áo – Thích Nhất Hạnh
.
Nguyên Lạc

THÁNG TƯ BIỂN TÍM

Nguyên Lạc

.30-4tobucket
Quê hương ngút mắt vời phương đó
Thăm thẳm mây trôi tận cuối trời!
Tháng tư đầy mắt người lữ thứ
Thống thiết mùa về cố nhân ơi!
.
Đã cố dặn lòng thôi đi tôi
Ra đi là đã biệt li rồi!
Thôi nhé chỉ còn trong tâm tưởng
Ai người giữ được áng mây trôi?
.
Vô thường nhân thế huyễn mộng thôi
Chia biệt thanh xuân nát mộng đời!
Tháng Tư cuồng nộ mùa bão nổi
Tàn nhẫn cợt đùa ước hẹn đôi!
.
Đại dương thăm thẳm nhìn đâu thấy!
Quê nhà xa ngái cuối phương đoài
Biển tím hoàng hôn hồn tôi tím
Ai sẻ chia tôi nỗi sầu này?!
.
Cố hương lam khói vời phương ấy
Vẫn mãi trong tôi bóng nguyệt đầy
Cố nhân mất dấu tìm đâu thấy
Đêm đêm điệp mộng dáng liêu trai!
.
Tháng Tư ngấn lệ màu mắt ấy
Thê thiết khanh ơi nỗi tình hoài
Tháng Tư dâu bể dòng lệ tím
Thôi nhé người rồi áng mây bay!
.
Bao năm rồi đó đời cô lữ
Thất chí Hồ trường khóc tàn phai!
Tháng tư biển tím hoàng hôn tím
Thì thào bãi vắng sóng bi ai!
.
Tháng tư ra biển trời nước tím
Biếc tím hồn này tri kỷ ơi!
Da diết thông ru chiều thê thiết
Miên viễn phương trời sao chia say?!
.
Nguyên Lạc

Thơ Nguyên Lạc

MƯỜI NĂM VỀ LẠI THÀNH PHỐ NỌ

.
Mười năm về lại thành phố nọ
Tìm lại tôi thời xuân đã qua
Con đường đưa đón yêu thương cũ
Hụt hẫng từng viên sỏi đá xưa
.
Vườn xưa đóa hoa nhan sắc nọ
Hương hoa ngày đó ở phương nao?
Tôi về tìm lại tôi thương nhớ
Dâu bể đau thương ngút nỗi sầu
.
Tôi về tìm lại tôi yêu dấu
Phố của ai đâu phố tôi xưa!
Ngơ ngác lạc loài nơi phố lạ
Nghe hồn tê tái nỗi phôi pha!
.
Mười năm về lại tìm ký ức
Chốn cũ người xưa mắt lệ nhòa
Kỷ niệm trào dâng lòng rưng rức
Thôi nhé một thời ta thiết tha!
 

THÁNG BA NĂM ĐÓ
.
Tháng ba người nhớ hay không?
“Tháng ba gãy súng” não nùng đời nhau [*]
.
1.
Tháng ba lại tháng ba nào
Tháng ba năm đó làm sao quên người?
Tháng ba vỡ mộng tình đôi
Tháng ba thảm lắm tình tôi nghìn trùng!
.
Mười năm về lại dã nhân
Thấy đời hụt hẫng đoạn trường bể dâu
Tìm người giờ biết tìm đâu?
Tìm trong ký ức những câu nhạc tình?
Chanh đường uống ngọt môi trinh”
“Hẹn hò cuốn quít thiên đường lối xưa
” [**]
Lối xưa lạ lẫm hững hờ
Phố xưa đã đổi màu cờ máu tim
Đường xưa giờ đã đổi tên
Nhà xưa đổi chủ buồn tênh cổng gài
Tin người ? Như khói sương phai!
Dã nhân lê bước thở dài mưa rơi
Thôi tôi mất dấu em rồi
Trùng dương cuồng nộ vùi đời thanh xuân!

2.
Tha hương kiếp “luân lạc nhân”
Ai người tri kỷ cùng ngâm Hồ Trường?
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa Tây rơi từng trận chứa chạn
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt,
có người quá chén như điên như cuồng”
 [***]
Mùa về đắ́ng chén lưu vong
Thống ngâm thơ cổ ngất hồn tháng ba!
.
Tháng ba cuộc đó đã xa
Xa rồi… xa lắm… sao ta vẫn buồn?
Tháng ba mưng mủ vết thương
Người ơi nhức nhối… đoạn trường sao quên?!
.
Tháng ba nâng chén mình ên
Hồn người lính cũ buồn tênh phận mình
Tháng ba đắng chén nhân sinh
Mất, còn bạn hữu bóng hình khói sương
.
Thì thôi nhân thế vô thường
Bầu nghiêng, rượu rưới thay hương khóc người!
Tháng ba lại tháng ba rồi
Hồ trường cô lữ lệ mời tháng ba!
…………..
[*] Tên hồi ký của Cao Xuân Huy
[**] Mượn ý “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” và câu nhạc khác của Phạm Duy
[***] Hồ Trường-Nguyễn Bá Trác

.
Nguyên Lạc
…………………..
“Tháng Ba Gãy Súng” – hồi ký Cao Xuân Huy: Ghi lại cuộc “di tản chiến thuật” của các người lính Thủy Quân Lục Chiến (VNCH) tháng 3, 1975 tại cửa biển Thuận An – Quảng Trị. Ngoài một số bị giết, đa số các TQLC còn lại bị bắt làm tù binh, rồi đi “cải tạo”.

MỘT ĐỐM LỬA

Nguyên Lạc

cadaoem
.
Ta chợt ngộ môi em là rượu độc
Nhắp một lần say khướt cả trăm năm
Hồn chếnh choáng đi tìm tim đánh mất
Thấy hư không lạnh buốt một dòng
.
Em đã đến đã đi như định mệnh!
Một người ngồi tiếc nuối tuổi thời gian
Chiều cổ độ mây trắng bay thăm thẳm
Môi son nồng rượu độc nỗi hoài mong
.
Cuộc trăm năm chỉ là giấc mộng
Ta còn chi ngoài em phiến môi hồng?
Một đốm lửa có đủ soi hy vọng?
Cuối đường hầm đủ hong ấm đời không?!
.
Nguyên Lạc

TRƯỜNG CA MƯA

Nguyên Lạc

mua
.
Dẫn:
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu. Ai khóc ai than hờ”

(Trích lời nhạc: Giọt mưa thu – Đặng Thế Phong)
.
Nhập:
Mưa chi? Mưa mãi không thôi!
Mưa ơi! Có biết động tôi một trời?
Tôi van mưa hãy thôi rơi!
Để tôi đừng nhớ một thời bể dâu
.
Mưa ơi! Ngừng đi thôi
Mưa buốt lạnh lắm rồi
Tôi ơi! Ngừng đi thôi
Nhớ thêm chi? Đủ rồi!
.
Ý NGHĨ ĐÊM MƯA
.
Giọt mưa nào lăn tròn xuân mộng vỡ?
Khúc mưa nào thống khổ kiếp nhân sinh?

.
1.
Hãy tưởng tượng một bóng người tiền sử
Bên bếp lửa hồng trong hang động hoang
Mặt đăm chiêu lắng nghe tiếng mưa ngàn
Đêm cô độc giữa hoang sơ mông muội
.
Thời mông muội có gì vấn nạn?
Núi rừng đâu có lắm sự buồn
Dù chùng lòng đôi khi nghe tiếng mưa tuôn
Đâu thảm lắm nỗi buồn thế kỷ?
.
Thời mông muội chắc không tình tri kỷ?
Chỉ đấu tranh giành giật con mồi
Hiện đại người cũng giành giật thế thôi
Nhưng khiếp lắm sự bạo tàn chiếm đoạt!
.
Mưa mông muội chỉ gợi nỗi niềm người tiền sử
Thấy riêng mình cô lẻ giữa hoang vu
Mưa thời nay ngoài buồn thảm… còn có hận thù
Còn giai cấp trả thù. Còn ngụy ngôn gian dối!
.
Còn thổn thức thương đau thế hệ
Còn xót xa tan hợp tử sinh
Còn lưng tròng dâu bể điêu linh
Còn trầm thống quê hương…
Còn thê thiết kiếp lưu vong. trầm cảm!
.
2.
Người tiền sử
trước ngọn lửa hồng động hoang. đêm mưa rừng thẳm
Chỉ thấy lòng bỗng lạ: Nỗi cô đơn
Người ngày nay
trong căn phòng nệm ấm chăn êm
Thấy mưa đêm buồn… buồn vạn lần hơn
Thấy mộng vỡ thanh xuân
Thấy chia cách nghìn trùng
Cuộc bể dâu
những cảnh đời oan nghiệt!
.
Người thời mông muội chắc đâu biết buồn li biệt
Chỉ đấu tranh giành giựt chiếm hữu mồi tình
Chỉ bản năng nòi giống truyền sinh
Đâu biết chuốt trau
đâu biết lọc lừa
Đâu biết so sánh được thua…
Nên làm gì có những cuộc tình hoài mơ… vô vọng!
.
Và dĩ nhiên.
Làm sao có những đêm huyễn mộng
Nghe tiếng tí tách mưa rơi… ngỡ sầu khúc gọi tên người
Mưa… mưa … mưa
chỉ gây người tiền sử chút chậm trễ thôi
Ngồi lặng trước ngọn lửa hồng với chút bâng khuâng
Rồi lại sẽ tiếp tục cuộc săn mồi…  giật giành theo bản năng đã định
.
3.
Ước gì trở về được thời mông muội xa xưa. tôi người tiền sử
Để mưa chỉ làm chùn chân… không là khúc sầu nức nở
Chạnh lòng theo tiếng tí tách giọt rơi. tiếng gió lùa khe cửa
Để không có những nan đề sinh tử
Những mưu toan hãm hại… nhưng môi nở nụ cười
Những nhân danh hạnh phúc con người
Giết chết hồn nhiên tuổi mộng đôi mươi
Làm sao thể? Tôi ơi! Làm sao thể?
.muaSG

NHỮNG CƠN MƯA  
.
Mưa Cần Thơ
.
Đêm nay gió len vào hồn cô lữ
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi”
“Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi”

Tiếng ca dĩ vãng ngày đó xa rồi!
Sầu khúc mưa rơi nhung nhớ buồn ơi!
Tiếc thương thanh xuân mộng vỡ một thời
Một thời để yêu một thời để nhớ
Cần Thơ mưa đêm Cần Thơ yêu người
.
Nồng nàn một nụ hôn môi
Ngọt ngào câu nói: “Anh ơi thương hoài!”
Tan trường, đường lá me bay
Bạn bè chân sáo nói cười giòn tan
Hờn trong mắt, buồn em đang
Đón đưa trễ hẹn lệ tràn ngây thơ
Ly chè tạ lỗi ngày xưa
Trường Đoàn Thị Điểm như vừa hôm qua
Em lên đại học Văn khoa
Cái Răng một thuở cúc hoa áo dài [*]
Đường về vàng cả chiều phai
Trong tôi rạng rỡ hình hài dấu yêu
Mưa thương nhớ biết bao nhiêu
Rộn ràng bến chợ Ninh Kiều lang thang
Tay trong tay quán đèn vàng
Mắt trong mắt nhạc “Em tan trường về”
.
Em tan trường về, anh theo ngọ về
Em tan trường về, mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở muôn thuở còn thương
” [1]
.
Tan trường. mưa nhỏ. nụ hôn
Làm sao quên được mà hòng người ơi?!
Những cơn mưa tuổi đôi mươi
Cần Thơ một thuở có tôi yêu người
.

Mưa Gành Hào
.
Mưa ai oán
mưa buồn sao!
mưa từ thiên cổ khúc sầu ngàn năm
tim người lữ khách
nấc
căm
Mưa ngoài tí tách
mưa trong hồn người!
Mưa buồn chạm nhớ xa xôi
Phiến môi ngày cũ tình tôi não nùng!
Mưa đêm tiếng vọng muôn trùng
Ly tao sầu khúc nát bầm tha hương
Người ơi dâu bể đoạn trường
Bao lâu quên được vết thương cuộc nào!
.
Gành Hào tiễn biệt Gành Hào [**]
Bến đêm mưa lệ buồn sao
Ly tao khúc sầu đêm đó
Hoài Lang Dạ Cổ lời đau:
.
Đường dầu xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phụ phàng
” [2]
Hò liu cống liu xê xạng
Xư xáng xề liu cống hò xang
.
Tiếng đàn cò quyện khúc Hoài Lang!
Bến Gành Hào mưa tiễn biệt lên đàng
Bao năm rồi đó hồn lữ khách
Tiếng đàn cò. khúc li biệt… y nguyên!
.
Mưa tha hương
.
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi
Sớm tối bùi ngùi, xa cách nhau một đờị
” [3]
Ngoài trời mưa rơi thánh thót mưa rơi
 Nức nở lời ca thôi mất nhau rồi
Buốt giá lưu vong sá chi thêm lạnh!
Mưa đời cứ rơi! Nặng hạt cứ rơi!
.
Cô lữ. Mưa đêm. Tí tách tiếng buồn
“Dạ Cổ Hoài Lang” sầu khúc đêm nao
Từ li mưa rơi trên bến Gành Hào
Não nùng lời ca than trách bể dâu!
Bể dâu bể dâu biết đến khi nào
Chỉ còn lại đây những nỗi thương đau
Mưa thở mưa than thanh xuân mộng vỡ
Mưa lệ mưa nhòa chia cách đời nhau
.
Quê hương tôi ơi biết đến khi nào?
Mưa đời luân lạc mưa kiếp tha hương!
Thiên cổ nỗi sầu cùng ai chia sẻ ?
Tri kỷ còn đâu mà cạn Hồ trường!
Hồ trường thống hận Hồ trường
Nghìn trùng thăm thẳm quê hương!
Trời Nam nghìn dặm thẳm, non nước một màu sương
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang ai người tri kỷ,
lại đây cùng ta cạn một Hồ trường
.” [4]
.
Kết:
Mưa… mưa… mãi mưa đi!
Mưa trôi mất xuân thì
Mưa Cần Thơ ngày đó
Mưa gác trọ tình si
Mưa Gành Hào một thuở
Mưa khóc tiễn người đi!
Dạ khúc mưa thê thiết
Hoài Lang khúc ai bi!
Cố nhân ơi vĩnh biệt
Nghìn trùng đành phân li
……………
[1] Lời nhạc Ngày Xưa Hoàng Thị – Phạm Duy/ Phạm Thiên Thư
[2] Lời bài hát Dạ Cổ Hoài Lang – Cao Văn Lầu
[3]Trích lời nhạc: Giọt Mưa Trên Lá – Phạm Duy
 [4] Lời bài thơ Hồ Trường- Nguyễn Bá Trác
[*] Trường đại học Văn Khoa trên đường Cái Răng về Cần Thơ
[**] Cửa Gành Hào thuộc huyện Đông Hải – tỉnh Bạc Liêu
.
Nguyên Lạc

NGƯỜI TÌNH (L’Amant/ The Lover)

Nguyên Lạc

cadaoem

 

.Người tình tôi những vần thơ

Hồn tôi thờ thẫn ngu ngơ bước vào
Tìm tình tôi ngóng trăng sao
Thấy trời thăm thẳm một màu buồn thiu
Tìm tình chỉ thấy cô liêu
Những chiều thu vắng hắt hiu lá sầu
Chờ tình tôi thấy mưa mau
Góc đời quán vắng giọt đau khúc buồn
“Nghìn trùng xa cách” sâm thương [1]
“Giang đầu giang vĩ sông Tương chia đời” [2]
Người tình đêm huyễn mộng trôi
“Đêm ba mươi đến thăm người” đón xuân [3]
Người tình một thuở bâng khuâng
“Phượng hồng” theo dấu ngại ngần trao thơ [4]
.
Người tình tôi nỗi bơ vơ
Cô miên đất khách bạc phơ mái đầu
Người tình xuân đến buồn sao
Đâu vàng hoa nắng? Trắng màu tuyết rơi!
Người tình chong nến mồ côi
Tiếng đời tích tắc ngoài trời nguyệt đau
Tìm tình, thôi hết mùa Ngâu
Còn đâu “đàn quạ nối cầu sông Ngân”
.
Diễm tình thơ của tiền nhân
Ngàn năm Thôi Hộ bâng khuâng hoa đào
“Người xưa giờ ở nơi nao?
Cổng xưa hoa vẫn thắm màu má ai” [5]
“Một phương canh cánh ưu hoài
Nhớ người mỹ nữ từ ngày biệt ly” [6]
Lụy tình thảm não Trương Chi
Ảnh trong chén ngọc thầm thì lời đau
Mị Nương rơi lệ tình nào
Ngọc tan… thôi nhé kiếp sau trọn đời
“Sụt sùi tình lệ giải bày
Khốc văn một bức tuyền đài gởi em” [7]
Quỳnh Như! Phạm Thái gọi tên
Em ơi tỉnh đậy điên cuồng ta mong
Mưa buồn hay lệ thế nhân?
Đắng cay ta rưới rưng rưng chén sầu
Quỳnh Như đội mộ lên mau
Điếu văn ta khóc tình nhau ngậm ngùi!
.
Người tình ly rượu trên tay
Câu thơ nhức nhối đắng cay lời tình
Người tình chén nhớ lưu vong
Quỳnh tương bướm mộng đêm mong hương người
Chăn nhầu chiếu lạnh đơn côi
Còn đâu đỏ phượng son môi người tình?
.
Thế gian đầy nỗi điêu linh
Ước mơ vô vọng tìm tình trong thơ
Thôi tôi đành chịu dại khờ
Tình tôi khóc ngấ́t bên bờ tử sinh
Khanh đâu? Quân khóc một mình
Liêu trai nhan sắc lung linh giấc hồ
Vần thơ khêu vá nỗi mơ
Hồn tôi bướm mộng té tờ kinh em
.
Nguyên Lạc
……………..
[1] Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi/ Còn gì đâu nữa mà khóc với cười/ (Nghìn trùng xa cách – Nhạc Phạm Duy)
[2] Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thuỷ. – Lương Ý Nương
[3] Em đến thăm anh đêm ba mươi/ Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi… (Em Đến Thăm Anh Đêm 30 – Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn)
[4] Phượng Hồng- Nhạc Vũ Hoàng, thơ Đỗ Trung Quân
[5] Nhân diện bất tri hà xứ khứ/Đào hoa y cựu tiếu đông phong -Thôi Hộ
[6] Diểu diểu hề dư hoài/Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương – Tiền Xích Bích phú, Tô Thức
[7] Điếu văn Phạm Thái khóc Trương Quỳnh Như 

 

Thơ Nguyên Lạc

chim bay
 
 
ĐI TÌM
.
Đi tìm một thuở đã xa
Bước chân vô vọng phù hoa chợ người
Mong manh tình hạt sương rơi
Phù du nhân thế biết rồi trùng lai
Thì thôi một tiếng thở dài
Làm sao níu được mây bay lưng trời?
.
Đi tìm tôi lại thấy tôi
Ngu ngơ tình đó một đời cuồng si
Đài trang dáng mộng xuân thì
Trong em tôi có chút gì không em?
Tình rồi em chắc đã quên!
 
 
CHÚT THÔI
.
Chút thôi thoảng một chút thôi
Chút thương chút nhớ một thời chúng ta…
Chút thôi dù chỉ mù sa
Chút thôi cũng đủ cho thơ vướng sầu

Chút thôi một chút thật sao?
Chỉ là một chút sao đau một đời?
.

NỖI CÔ ĐƠN
.
1.
Quán vắng chiều mưa bay lất phất
Phố chiều nay hiu hắt rất buồn
Người sẽ đến? Làm sao biết được?
Chỉ một điều rất rõ: Cô đơn!
.
2.
Cô miên mới thấm nỗi cô đơn
Lữ khách sầu đêm rượu nhớ quên
Điệp khúc muôn trùng âm vọng gọi
Tay ôm huyễn mộng nhớ mùi hương
.
BỂ DÂU
.
1.
Bể dâu tàn mộng thanh xuân
Người vào trại thảm còn xanh mái đầu
10 năm màu tóc phai mau
Rừng sâu về lại phố nào tình nhân
Phố xưa giờ của người dưng
Quán xưa hò hẹn đã từng… còn đâu!
Cố nhân mù dấu phương nào?
Dã nhân ôm ngực nhói đau màu cờ
.
2.
Cố hương về lại thăm người
Tóc huyền, áo trắng…?  Đâu rồi tuổi xuân?
Thương ai bạc nắng còng lưng
Đoạn trường dâu bể não nùng đời em!
.
Nguyên Lạc