TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (1)

Gallery

This gallery contains 1 photo.

Nguyên Lạc:    .(Kỳ 1) Theo chữ tượng hình của Trung Quốc, chữ rượu là Tửu 酒 gồm 2 bộ ghép nhau: bộ Thuỷ 氵 – là nước, ghép với bộ Dậu 酉 – là rượu lên men. Vậy Tửu có nghĩa là rượu lên men … Tiếp tục đọc

Đêm Giao Thừa Với Nỗi Lười Biếng Ngọt Ngào

PHẠM NGA

hoa2

Cái bổn-phận-sự được xem là cuối cùng năm cũ của tôi là phụ bà xả bày chiếc bàn nhỏ ra bên cạnh cây mai già ở sân trước, xếp đặt đầy đủ phẩm vật chuẩn bị cúng đón giao thừa. Nhà nào cũng cửa đóng, then cài, ngõ xóm chợt im ắng lạ thường vào thời khắc năm cũ/năm mới sắp bàn giao. Cặp đèn ly được đốt lên, tạo một khoảnh sáng lung linh, thật ấm cúng trên chiếc bàn cúng…
Tôi lặng lẽ rút lên phòng, ê ẩm cái lưng tuổi già sau mấy ngày cập rập đón Tết nên nằm dài trên giường – nghỉ ngơi chờ giao thừa thôi! Đêm nay, tôi không mở các đài phim Mỹ AXN, HBO, StarMovies…trên ti-vi như thói quen giải trí từ cả mấy chục năm qua mà rà chọn đài SCTV3. Đài này chuyên phát các chương trình phục vụ thiếu nhi nhưng 6 giờ sáng mới bắt đầu, còn giờ này chỉ phát nhạc hòa tấu và đang đêm giao thừa nên có ‘chạy’ lời chúc Tết. Thật hay ho là tình cờ đài lại đang cho nghe album “On The Mirror” lừng danh của Yanni. Hơn thế, lại đúng các bài tôi rất ưa chuộng lâu nay, cứ nghe đi nghe lại mãi không chán – nhất là lúc viết lách là mở luôn thật nhỏ trên PC, như các bản: A Love For Life, The Morning Light, Once Upon A Time, On The Mirror… (tạm dịch mấy cái tựa là: Tình Yêu Cuộc Sống, Ánh Ban Mai, Ngày Xửa Ngày Xưa, Phản Chiếu Từ Tấm Gương Soi…).
Vài phút giây nữa là tôi coi như bước vào tuổi ta 71 và cái lão vừa chớm “thất thập cổ lai hy” đang tự cho phép mình lười biếng, khỏi làm việc gì cả, chỉ nằm dài, nằm im mà nghe nhạc. Cuộc đời lại đang rộng lượng bỏ qua cho cái trò lười biếng, phi lao động của tôi, còn ban tặng cho tôi một chuỗi âm nhạc tuyệt vời! Chỉ từ một cái ti-vi cũ mèm, chứ nào phải từ cả một giàn amply, loa HIFI… hoành tráng nào đâu, thế mà những bản hòa tấu hiện đại này (Yanni tự gọi các tác phẩm của mình như thế) đã chuyển tải đến người nghe dòng nhạc điệu hết sức tuyệt diệu. Luôn ăn ý với nhạc điệu của bản nhạc được gọi tên, những cái tựa bản nhạc, như Tình Yêu Cuộc Sống, Ngày Xửa Ngày Xưa, Ánh Ban Mai…, đã quá thích hợp để êm ả vun bồi cho cảm xúc trầm lắng của tôi cùng những ai đang nhìn lại dĩ vãng coi-như-cũng-tạm-được một năm qua, đồng thời nhen nhóm trong lòng một ít kỳ vọng vào tương lai cuộc sống…
Chưa hết.Trong lúc cái lưng già đã chịu êm ả trở lại, tôi mơ màng nghe nhạc, hưởng thụ niềm an lạc nhỏ bé của mình thì đúng 12 giờ đêm. Giao thừa rồi! Tôi hơi tiếc rẻ nhưng cũng tắt tivi, chổi dậy và định bước ra hàng hiên trên gác để hít thở nay bầu không khí ngoải trời đang tươi nhuận chánh-hiệu-năm-mới, bỗng cái điện thoại trên bànkêu lóc cóc…
A! Bạn bè tới tấp gởi message chúc Tết đúng giao thừa, đúng ngay lúc ngôi chùa cạnh nhà bập bùng gõ trống mừng Năm Mới!
Phải nói là bạn bè thiệt siêng năng, vừa chúc Tết, chúc Năm Mới cho gia đình tôi lần nữa ngay thời điểm giao thừa, mặc dù mấy ngày cận Tết chúng tôi đã rộn ràng trao đổi nhau, hết chúc riêng rổi chúc chung, không biết bao nhiêu là email, tin nhắn cùng entry chúc Tết, chúc Xuân, chúc Năm Mới trên Facebook, Messenger và Gmail với đủ thứ hình ảnh, tranh vẽ, nhạc minh họa đủ kiểu đủ màu kèm theo.
Tôi cảm thấy hạnh phúc tràn đầy khi nhận ra đã có những bạn bè thương mình, quý mình đến nỗi chỉ mấy giây sau 12 giờ đêm giao thừa đã gởi ngay lời chúc Tết đến mình, bởi để chuẩn bị chúc Tết đúng giao thừa, người ta thường ‘khóa’ sẵn vài cái tên thân thương nhất trong danh sách ưu-tiên-số-1của riêng mỗi người và các bạn tôi đã quyết định cho tôi đứng đầu danh sách. Anh chị em đã giành hết mấy giây đầu tiên rất thiêng liêng của năm mới để trước tiên là chúc Tết tôi, sau đó mới có thể chúc tới ai khác, bởi trên điện thoại không thể nào bấm song song cùng lúc các message.
Gần hai giờ sáng rồi. Tôi lãng đãng đắm mình trong nỗi lười biếng ngọt ngào, cũng là một cảm giác hạnh phúc thật tươi mới giữa đời thường nên tự hứa sáng mai mùng Một (chỉ vài giờ nữa thôi) nhất định sẽ dậy thật sớm để làm việc-cần-làm-ngay là chúc Tết hồi âm những message quý giá mà bạn bè thân thương vừa gởi cho ngay giao thừa…
PHẠM NGA

PHỐ, ĐÊM, MƯA

Tản văn Pham Nga

1.
Những ngày này, bởi ảnh hưởng của liên tục những cơn bão ngoài Trung, Sài Gòn mưa liên lỉ, hết cơn lớn, ào ạt trút nước lại đến cơn nhỏ lâm râm kéo dài. Tôi đành bó gối ngồi nhà, bởi ngại mưa gió nên cả những công việc cần thiết phải đi – trong đó có đi bộ ở công viên, cần cho việc trị tiểu đường- cũng đành bỏ qua hay gác lại, nói gì đến chuyện đi chơi, ra quán quen gặp bạn già tán gẩu… Càng nên ít ra đường, đến nơi công cộng còn vì ‘giãn cách xã hội’ có mức độ vẫn còn cần thiết bởi Covid19 chỉ lắng xuống, chưa hề kết liễu. Đành xa cách, vắng mặt đối với phố phường thân quen.
Vâng, trước mùa bão tháng 10, nghĩa là chỉ mới nửa tháng trước, khi ‘giãn cách’ bởi dịch bệnh được nới lỏng, mọi người dù có nghiêm chỉnh mang khẩu trang hay không vẫn có thể ít nhiều thong dong ra phố, từ ngoại ô vào nội thành hay từ Sài Gòn đi các tỉnh và ngược lại… Giờ đây, đến lượt thời tiết mưa gió lì lợm kéo dài cũng gây ‘giãn cách’ chẳng vui vẻ gì hơn dù chỉ bó buộc, hạn chế về không gian giữa con người với nơi chốn con người muốn lui tới hơn là ‘giãn cách’ xã hội, tức giữa người với người để phòng dịch lây lan trong cộng đồng.
Đêm nằm thao thức, nghe tiếng mưa rơi ngoài trời khi thì vang rền khi thì khẽ khàng buồn thiu. Lại chạnh nghĩ đến bão lũ tàn khốc vửa qua đã gây nhiều tang thương, mất mát cho bà con các tỉnh miền trung Trung bộ.
Trời đã khuya, văng vẳng tiếng hát karaôkê bên nhà hàng xóm:“Ðêm khuya mưa rơi rơi trên đường vắng/ Ðôi chân lang thang tâm tư trầm lắng…” . Mặc cho cái giọng nam trung thô thiển rớt nhịp hoài của anh hàng xóm, tôi vẫn bàng hoàng bởi từ thời trẻ trai đã thích dòng rumba/boléro đơn sơ, không cầu kỳ mà thật dễ mến của Văn Phụng. Và lúc này, đang đêm mưa buồn lại tình cờ được nghe bài ‘Giã từ đêm mưa’ với nhạc điệu khoan thai mà đầy níu kéo của ông nữa thì thật hạnh phúc.

2.
Xưa nay trong văn học nghệ thuật, từ một mẫu minh họa cho tập thơ, cuốn truyện cho đến khuôn hình trang trí bìa một bản nhạc, thường hay có hình ảnh phố đêm – những con đường, những góc phố vắng lặng, im lìm. Và, như các tác giả thường đươc gợi cảm hứng hay chọn làm nguyên mẫu, đó thường là thành phố Sài Gòn thân thương này.
Bởi được thể hiện trong văn chương nghệ thuật nên những “văn ảnh” phố phường này luôn có cách điệu. Trước hết là có mưa – mưa nhẹ nhàng, lướt thướt thôi cho thêm phần buồn bã cảnh đường phố ban đêm. Kế đó, trong văn ảnh thường là những con đường nhỏ, hẹp hay ngõ hẻm lụp xụp, nhà cửa cũ kỹ, mộc mạc thôi chứ không cần thiết là đại lộ nguy nga, cao ốc hào nhoáng. Đôi khi, như trong ca từ bản ‘Phố đêm’ (Phạm Đình Chương), lãng đãng có “ánh đèn vàng hắt hiu” – ánh sáng vàng vọt, yếu ớt, thê lương mới phù hợp chủ đề về phố mưa buồn, phù hợp với chính hình ảnh rất quen nơi các tờ nhạc in ngày trước: chàng nhạc sĩ nghèo, cây guitar cũ mang trên vai, lầm lũi bước đi dưới ánh đèn đường. Chứ phải nói là xa lạ, lạc điệu là loại ánh sáng ngày (day light) trắng toát của đèn néon cao áp chiếu sáng các đại lộ, cầu bắt qua sông, giao lộ hay vài đoạn xa lộ đi qua khu phố, thị trấn.

3.
Nhớ thời trẻ trai, tôi vẫn lo học hành đàng hoàng nhưng do có phần bắt chước ‘nghệ sĩ tính’ từ các đàn anh ban C, nhiều bận tôi đã cùng nhóm bạn thân rong chơi phố phường Sài Gòn, luôn cả vào giờ giấc rất khuya muộn. Cả bọn thích đi bộ lang thang hay chạy xe thật chậm qua những con phố đêm vắng lặng không bóng người. Gặp lúc đô thành có lịnh giới nghiêm, cả bọn vẫn lì lợm, lang thang đến sát giờ còi hụ mới chịu quay về. Hay nếu có mưa nhẹ, lất phất trên đầu thì càng thú vị, đến nổi đứa nào có đem theo áo mưa cũng không lấy ra mặc vào khi mưa đã rớt hột. Có khi đang chạy honda ngoài đường, trời đang tạnh ráo bỗng mưa kéo đến, gió nổi lên rào rạt cùng sấm chớp ì ầm, cả bọn lại thích chí cười vang, kể cả các cô bạn ngồi yên sau cũng vui hẳn lên. Nỗi phấn chấn, hứng khởi kỳ cục khi nhận được những giọt mưa đầu tiên rơi xuống mặt!
Đến thời tốt nghiệp, ra trường, đi dạy học, đi làm báo, lãnh lương thì bù khú chút đỉnh với anh em. Nhớ những lần tình cờ ‘bắt’ được ngoài phố mấy tên bạn thân thiết, bạn thơ văn…đã rất lâu không gặp là dẹp hết mọi bận tâm hay kế hoạch trong ngày, ngay lúc đó kéo nhau ‘tấp’ đại vô một quán nhậu, sạp nhậu xập xệ lạ hoắc thấy trên vỉa hè. Quán chỉ có rượu đế, rượu thuốc cùng cóc ổi, đậu phộng…, cũng chẳng hề kén chọn, cứ mãi miết vừa ‘xây tua’ vửa hỏi thăm nhau tin tức bạn gần bạn xa, đứa này đứa khác. Rồi cơn mưa chợt đến, tấm bạt che mưa cũ rách chẳng ra trò trống gì, mưa dột mưa hắt làm ướt đẫm cả tóc, cả lưng mấy gã bợm ké né ngồi đó. “Tữu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”, anh em bạn bè vẫn tỉnh bơ nâng ly, chén tạc chén thù. Có điều cũng lạ, cũng ngộ là ai nấy dù uống nhiều, uống liên tục như thế nhưng chưa lần nào có ai say gục đến phải nằm lại tại chỗ. Nhậu đã đã mà trời còn mưa thì ‘10 lần như 1’, cả bọn kéo hết vào một quán cà phê.
Cứ như mưa trời chẳng những không có vẻ gì gây khó dễ băng nhậu tri kỷ tụi tôi, ngược lại còn góp vui, góp phẩn giúp bữa nhậu ‘tao ngộ chiến’ càng tăng thêm phần hào hứng, thú vị. Lúc này nếu tình cờ hay ho là mượn được cây guitar, chắc chắn sẽ có bạn đòi ai đó hát cho nghe hay tự hát luôn những ca khúc rumba/boléro, những nhạc phẩm cùng nhạc sĩ theo ‘gu’ riêng của bọn tôi, cũng đẫm nước mưa hay đẫm… rượu đế, như: Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội (Phạm Đình Chương phổ thơ Hoàng Anh Tuấn), Những ngày xưa thân ái (Phạm Thế Mỹ), Trăng tàn trên hè phố (Phạm Thế Mỹ), Giã từ đêm mưa (Văn Phụng), Phố đêm (Phạm Đình Chương), Những bước chân âm thầm (Y Vân), Mưa đêm ngoại ô (Đỗ Kim Bảng)… Và chắc chắn cả bọn sẽ không bỏ qua nhạc Trịnh Công Sơn, trong đó có bài tuy không phải rumba/ boléro nhưng ‘trứ danh’ là ngay ở câu đầu đã nhắc luôn tới mưa: “Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ” (Diễm xưa), hay “Em đứng lên gọi mưa vào hạ” (Gọi tên bốn mùa), hay mưa rơi suốt bài suốt bản luôn là “Trời mưa, trời mưa không dứt. Ô hay mình vẫn cô liêu”(Lời buồn thánh).
Phố. Đêm. Mưa. Ba yếu tố ngoại cảnh thân quen đã góp phần làm nên bao kỷ niệm sâu sắc cho thời học sinh lớp tú tài cùng thời sinh viên thư-sinh-mặt trắng chúng tôi. Cái thời bọn trẻ tóc còn xanh nhưng đã không khỏi già háp bởi những trăn trở, thao thức về thân phận trong cuộc chiến kéo dài, vẫn có lúc mơ mộng, có lúc hát ca, có lúc là những đêm mưa dịu dàng, cả đám cùng lang thang, chạy xe chầm chậm, vô định qua những con đường im vắng của Sài Gòn…
PHẠM NGA
(Tháng 10 bão lũ)

MÙA ĐÔNG SẼ DÀI: LONG SERA D’HIVER

Nguyên Lạc

snow

PAUL MAURIAT

Bản nhạc “Long sera l´hiver” được sáng tác bởi nhạc sĩ Jacques Plante và Claude Carrère 1968, được ca sĩ Sheila thâu vào dĩa lần đầu, sắp xếp và dàn dựng bởi Paul Mauriat.
Vài hàng về Paul Mauriat:
Paul Julien André Mauriat nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng dàn nhạc Le Grand Orchestre de Paul Mauriat. Ông là người Pháp. Những bản hit nổi tiếng như Love is Blue, El Bimbo, Toccata, Penelope…
Paul Mauriat và một số nhạc sĩ khác cổ động cho phong trào nhạc nhẹ – the easy listening – ai nghe cũng hiểu và cảm được, khác với nhạc cổ điển – muốn thưởng thức nhạc cổ điển cần phải có “căn bản” kiến thức âm nhạc tối thiểu.
.
BẢN NHẠC LONG SERA D’HIVER

Bản nhạc “Long sera l´hiver”, rất phổ biến thập niên 60 -70, tình cờ tôi được nghe lại và rất thích nên muốn chuyển dịch lời nhạc thành thơ, chia sẻ cùng các bạn.
Đây là đường link dẫn tới bản nhạc “Long sera l´hiver”:
Không lời:
https://youtu.be/2tBIArfBcH8
Có lời:
Sheila – Long Sera L’Hiver
https://youtu.be/ampKesGS5B8
Bài hát rất hay, tôi xin ghi ra nguyên văn bài hát – tiếng Pháp, cùng lời dịch tiếng Anh và sẵn dịp tôi phóng dịch ra thơ tiếng Việt:

1. Nguyên tác – lời nhạc Pháp
.
Long sera d’hiver
.
Long sera l´hiver, my love!
Tu n´es plus près de moi
Je me sens si seule
Dans la neige et le froid
.
Long sera l´hiver, my love!
Le monde est sans pitié
Pour tous ceux qui s´aiment
Et qui sont séparés
.
Et la Terre toute entière
Ne courbe les roseaux
Que c´est triste, un ciel gris
Sans aucun chant d´oiseau
.
Oui, j’ai tant besoin de toi
Oui, car je m’ennuie sans toi
Ici, où tout est sombre et désert
.
Long sera l’hiver, my love!
Mais je me suis jurée
Qu’au premier soleil
J’irai te retrouver
.
Ni les mers, ni les terres
Ne pourront m’arrêter,
De frontière en frontière
Vers toi, je m’en irai
Et tu ouvriras les bras
Oui, et tu me garderas, là-bas
.
Long sera l’hiver, my love!
Et tu ouvriras les bras
Oui, et tu me garderas, là-bas
Long sera l’hiver mais nous aurons gagné
De rester ensemble pour l’éternité
.
Long sera l’hiver, my love!
.
2. Phóng dịch thành thơ lời Việt

Tôi tạm phóng dịch thành thơ lời Việt như sau:
.
Mùa đông sẽ dài
.
Mùa Đông sẽ dài em ơi
Em không còn ở bên tôi
Đơn côi anh đang đơn côi
Bên trời buốt lạnh tuyết rơi
.
Mùa đông sẽ dài em ơi
Tàn nhẫn, tàn nhẫn cuộc đời
Sao buộc người thương yêu nhau
Chịu cảnh ly biệt xa rời?
.
Tuyết đừng phủ cong lau lách
Buồn lắm xám thẫm bầu trời
Buồn lắm không tiếng chim hót
Khắp cùng trái đất người ơi!
.
Rất cần em cạnh bên tôi
Mọi thứ không em chán rồi
Nơi đây tối tăm vắng vẻ
Nhưng tôi tự thề tôi sẽ
Tìm em khi trời vừa lên
.
Biển cả núi đồi biên giới
Không đâu ngăn cản được tôi
Và em sẽ rộng vòng tay
Ôm tròn giữ tôi ở đó
.
Mùa Đông sẽ dài em ơi
Và em sẽ rộng vòng tay
Em trọn giữ tôi ở đó
Mùa đông sẽ dài chắc thế
Nhưng sao thắng được chúng ta
Mãi bên nhau chẳng lìa xa
.
Mùa Đông sẽ dài em ơi
.
LỜI KẾT
Long will be Winter/ Long sera l´hiver tôi dịch là “Mùa đông sẽ dài”, nếu các bạn nào thích dịch thành “Lâu quá sẽ thành mùa Đông” thì tùy. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: Ta đừng để như vậy, hãy “hâm nóng tình” lên nha bạn hiền!
Chúc hạnh phúc.
.
Nguyên Lạc
………………
@. Phụ lục:

1. Bản nhạc chuyến dịch lời Anh

Long will be Winter
.
Long will be winter, my love!
You’re not near me anymore.
I feel so alone
In the snow and cold
.
Long will be winter, my love!
The world is merciless
For all those who love
And that are separated
.
And the whole Earth
Do not bend the reeds
How sad, a grey sky
Without any bird song
.
Yes, I need you so much.
Yes, because I’m bored without you
Here, where everything is dark and deserted
.
Long will be winter, my love!
But I swore
That at the first sun
I will find you
.
Neither the seas nor the lands
Can’t stop me,
From border to border
To you, I will go
And you will open your arms
Yes, and you will keep me there
.
Long will be winter, my love!
And you will open your arms
Yes, and you will keep me there
Long will be winter but we will have won
To stay together for eternity
.
Long will be winter, my love!
.
2. Vài hàng về nhạc EASY LISTENING
Nhạc cổ điến hầu như “thống trị” suốt thế kỹ 17,18,19 phương Tây, muốn thưởng thức nhạc này cần phải có “căn bản” kiến thức âm nhạc tối thiểu. Hình như chúng dành cho tầng lớp ” thượng lưu trí thức”, “trưởng giả”.
Paul Mauriat, Franck Pourcel và một số nhạc sĩ khác là những người đầu tiên khởi xướng về loại nhạc nhẹ êm dịu – the easy listening, ai nghe cũng hiểu và cảm được – ở những nơi như là phòng khách, phòng đợi khách sạn v.v…
Hiện nay có thêm nhạc êm dịu New Age
Về nhạc Easy listening hiện nay các ca nhạc sĩ có tếng là Andrea Bocelli, Cesaria Evora, Julio Iglesias …
– Julio Iglesias: một ca sĩ, nhạc sĩ người Tây Ban Nha, ông là ca sĩ có dĩa bán chạy nhất trong lịch sử trong thể nhạc Latin và cũng là một trong những ca sĩ có đĩa bán nhiều nhất thế giới. Phạm Duy có chuyển lời Việt vài bài. Tôi có nhiều kỹ niệm với bài La Paloma do ông hát trước 75. Ca sĩ Lệ Thu có hát bài lời Việt: Cánh Buồm Xa Xưa
. La Paloma – Julio Iglesias
https://youtu.be/CZfN2y7tgfE
. Cánh Buồm Xa Xưa (La Paloma) – Giọng ca Lệ Thu
https://youtu.be/kgmZAtNhYKw
– Andrea Bocelli là ca nhạc sĩ người Ý- ông là người khiếm thị/ blind man từ 5 tuổi.
Bài tôi thích nghe ông hát là Bésame Mucho/ Kiss me a lot (nghĩa là “Hãy hôn em thật nhiều”)
. Andrea Bocelli – Besame Mucho
https://youtu.be/fTxcrjBGves
– Cesária Évora (1941 – 2011) là nữ ca sĩ nổi tiếng người Cabo Verde/ Cape Verde – Tây Phi, với biệt danh “barefoot diva” (“nữ danh ca chân trần”) vì khi biểu diễn bà không mang giày dép.
. Cesaria Evora – Besame Mucho
https://youtu.be/LLsg_Lk819s
– Yanni là nhạc sĩ người Hy Lạp – Greek, ông đang sống ở Mỹ với những album nhạc New Age rất hay.
. Yanni – “Until the Last Moment”
https://youtu.be/9WECMgGG8dg
. Yanni – Felitsa- Live
https://youtu.be/CN7y6FVBdR8

Nhạc các ông bà này bạn có thể search trên You Tube

VÀO VỚI THƠ

VÕ CÔNG LIÊM

hoa hong den

TRANH : VÕCÔNGLIÊM . MẶT TRỜI ĐEN / BLACK SUN

Nói về thơ có cần bàn thêm không? Thiết tưởng điều này thừa; mà chỉ phiếm đàm một cách khách quan như xem một vở kịch vậy; ‘khi vui thì đậu, khi buồn lại bay’ đó là ý tứ vô tư mỗi khi đi vào với thơ.
Vậy thơ là gì? Câu hỏi này đã có từ khi chưa lập văn tự, thơ phát sanh hồi tiền cổ, thuở hồng hoang khai thiên lập điạ đã có thơ đi theo. Thiên nhiên và tâm trạng hòa đồng trong một dạng thức vô cớ nhưng lại hữu hình, hữu tình chính điểm này đã xâm nhập vào hồn để thành thơ. Nói theo phân tâm học của Freud và Jung thì cho rằng: nếu mỗi khi tâm với não giao động hỗn loạn đưa tới bất bình thường và sinh ra ảo giác; nói thế có tính võ đoán cho người làm thơ; tâm tư lắng đọng, trí tuệ phát khởi, giòng thơ tuôn trào như tự nó. Nguồn thi hứng của thơ là nguồn vô biên, vô tận số (sát-na) nó bao trùm cả vũ trụ quan trong chuỗi hành tinh văn học. Thế giới của thơ, một nơi vô hình chung được gọi là ‘cõi thơ’. Thí dụ: đang làm một việc gì thì bỗng bắt gặp mùi hương hoa lài, mùi nước lợ, bóng dáng cũ xuất hiện trong tri giác, khứu giác nơi mà chung quanh chỉ là tiếng động xe cộ ồn ào, huyên náo. Đó là cảm thức bị đánh thức để hướng tới hoài niệm về một tiền đề xẩy ra trước đây, và; tự nhiên xuất thần thành những câu thơ, bài thơ bất hủ, xuyên thủng một tâm thức khác mà thành thơ-ca, nhạc-thơ. Từ đó ta gọi trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ hay trong thơ có họa trong họa có thơ -thi trung hữu họa, họa trung hữu thi- (Tô Đông Pha) là vậy. Nói cách khác; hồn thi sĩ bùng dậy dưới mọi môi trường của cảm hóa mà thành thơ, nhà thơ là một xúc cảm lớn. Vậy thơ đâu dành cho thi sĩ, thơ đã phát tiết từ lòng mẹ mà ra nhưng tư duy đó lại nằm trong thâm sâu cùng cốc (deeper) của tiềm thức; hơn thế nữa trí năng đang trong thời kỳ mở mang (development) để thành hình ngữ ngôn. Thơ khắp mọi nơi và khắp mọi người, thơ chẳng riêng ai giữa không gian và thời gian này. Cái xúc cảm lớn lao đó chính là cái mơ về, nhưng phải hiện thực để thơ đi vào tư tưởng thi ca: bài thơ hay hoặc dở là do yếu tố đó, nhưng thơ có những đòi hỏi lạ kỳ nghĩa là phải nằm ở giữa Hồn và Thức, phải đồng điệu, quyện vào nhau thì ta thấy được ‘thơ tức là người’. Đọc thơ Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi cho ta nhận thấy một tri thức uyên bác ở người; bởi họ là ‘con nhà tông không giống lông cũng giống cánh’ có lớp lang, có phẩm trật lại là người học cao, hiểu rộng. Cho nên thơ đã thả vào đó những ý thơ bất diệt, những áng thơ tuyệt cú và đi vào miên viễn thanh cao. Thuở nào cũng thế; làm thơ hay làm văn nó đòi hỏi một tri thức thâm hậu thời mới thành thi văn trác tuyệt; cho nên chi người làm thơ dù trải dài cả một lịch sử làm thơ chăng nữa, giòng thơ đó vẫn ngân nga những giọng điệu xưa cũ không thoát ra được chất thơ vì rằng hồn và thức là một phản ảnh rõ nét. Thơ thật sự cần thiết cho cảm thức và có lợi cho lý trí là hai bề mặt cho đời và người; ấy là Đạo vậy và cốt tủy của thơ được trở nên hiện hữu tối thượng; ấy là Siêu Thoát vậy. Muốn tới con đường đó nhà thơ phải phá chấp hoàn cảnh ngoại giới để xâm nhập vào nội giới dưới một dạng thức dành cho thơ; tuyệt đối không vị ngã, ngay cả ngã mạn trong thơ; vì đó là ý thức Mạt-Na (tức là thức thứ 7 trong 7 thức Mạt-Na) : là bản chất so đo, hơn thua, phô diễn về cái ngã (moi/self/ego) hơn là xuất thần thơ; mấy thứ đó làm băng hoại hồn ‘thi sĩ’, dù có là gì đi nữa cũng thành tro bụi. Thơ là hồn; tức ‘hồn ai nấy giữ’ là vậy. Nhà thơ có uốn nắn con chữ, làm đẹp câu thơ cho bài thơ tràn trề thẩm mỹ quan thì cái hồn đó quẩn quanh trong cái trình độ thơ đó mà thôi. Khó để gọi là thơ siêu thoát. Như đã nói thơ là thức; dù cho thơ biểu hiện dưới hình thức nào hay ẩn tàng, ẩn dụ nét thơ vẫn chứa đựng một chất liệu thanh cao diệu vợi. Thức ở đây không phải là thức tĩnh mà thức là nhận biết (acknowledge of sence) của tri thức. Anh bửa củi đứng giữa rừng cảm tác thành thơ nhưng cảm thức đó là thức của vô-thức-thơ. Hiểu biết tới đó thì thơ tới đó; chớ không thể vượt qua tầm nhìn của tri thức. Hiếm khi mà nắm bắt được cái thức có trình độ. Dẫu có sở học chăng nữa nhưng ‘khí thế’ không phải con nhà tông thì nó cũng lộ ra trong thơ cái đặc chất đó. Suy xét như thế có tính chủ quan và phiến diện. Nhưng đi sâu vào vị thơ ít nhiều có cái chất thơ phản ảnh trong ấy: Nguyễn Bính là nhà thơ trữ tình nhưng nhìn sâu vẫn thấy được khí thế của con nhà thơ và nhiều nhà thơ khác cũng một trường hợp tương tợ cho nên thơ họ giàu là vậy. Thơ không đơn giản, Người ta chỉ liếc nhìn một đôi câu hay nhâm nhi cũng đủ thấy cái thực chất trong thơ một cách trọn vẹn. –Nothing simple. One glance, the repetition half aloud of a couple of verses sufficed (Hermann Hesse by On Poems)* .
Thượng đế cho mỗi người mỗi hồn khác nhau, mỗi mặt khác nhau nhưng phải biết phân bón, vun xới, điểm tô thì cái mầm đó mới phát tiết tinh anh; ngoại trừ thiên bẩm ngay cả hội họa cũng thế đều phải có hồn và thức. Dù có lột cho cạn cùng chất sắc đó nó vẫn còn nguyên trạng của tự nó (itself) trong thơ, trong tranh. Nói chung trên bình diện văn học nghệ thuật đều bao gồm một chất liệu của hồn và thức thời mới liên hợp vào nhau mới sáng tỏ ý và lời, nhất là nhu cầu của thơ. Văn thơ họa nhạc là tương thức.
Trở lại câu hỏi thơ là gì? Thơ là dạng tính của cõi phi. Thơ không là gì cả và chẳng có gì cả để đề xuất hay bình giải mà đi tới bí tỉ, sáo mòn, dẫn chứng lối cổ xưa không còn là hiện đại hóa (modernization) cho một nhận định hay phê bình về thơ. Thơ không đặc câu hỏi mà đã đặc câu hỏi thì không còn là thơ mà hoàn toàn phá vỡ hồn và khí thơ. Ngược lại; thơ là đặc quyền của cái gọi là bất khả tư nghị. Nói thế tất thơ đã khống chế một cái gì của riêng mình? Đành vậy; nhưng phải có tư duy thâm hậu chuyển hóa thành thơ thời mới mong có được ngữ điệu hay ngữ ngôn của thơ. Ở hoàn cảnh này không vì cõi phi mà phá ‘luật’ của giới hạn thơ. Thơ không đòi hỏi cầu kỳ mà đòi hỏi một cái gì như-nhiên trong suốt; có vướng lụy, phàm tục thơ cũng là trong suốt. Điển hình của hai nhà thơ đương đại Hàn Mạc Tử và Tố Hữu. Một chất thơ khoa học thơ và một chất thơ khoa học chánh trị thơ; thời xem cái nào là tồn lưu và cái nào là hủy diệt. Tuy nhiên; không vì quá lãng mạn mà làm cho thơ tắt nghẽn giữa dòng đời trôi chảy, thơ cần phải thông-hóa và không-hóa mới thành thơ. Đó là siêu lý của thơ có tính chất triết học, ngay cả trong thơ bình dân như ca dao, tục ngữ, hò vè đều hàm chứa một triết lý nhân sinh trong đó. Làm thơ là lấy cái tủy của thơ chớ đâu phải viết lên cái cảm thức đó là thành thơ của người thi sĩ. Ngày nay có nhiều nhà thơ đứng trên quan điểm đó; nghĩa là nhìn thấy mình nhiều hơn thấy người. Hẳn nhiên! Nhưng cần có một hòa đồng nhân thế thì thơ mới truyền lưu. Còn như thơ kể chuyện, thơ tự sự, thơ sức khoẻ, thơ ta bà, thơ thời sự vẫn cuộn vào đó cái hiện hữu chính mình, một ‘cái ta’ ẩn tàng trong đó. Thơ như thế khác chi lấy dao chém vào thơ. Kẻ bửa củi, thằng bé lên năm làm thơ là làm thơ. Lão Tử (Lao-Tzu) nói: ‘cho dù đất sét có thể nắn ra cái bình nhưng thực chất của cái bình là trống không’(though clay may be moulded into a vase; the essence of the vase is in the emptiness). Ngày nay thơ vượt bức tường âm thanh qua nhiều giới tính, phát huy qua nhiều thể loại khác nhau, phát sinh nhiều khuynh hướng: siêu thực, dã thú, đa đa, lập thể, thơ lắp, thơ sờ và thơ khối…, Chủ xướng giòng thi ca đương đại: tự do, không vần, thơ xuôi, hình thức, tân hình thức, thơ vô nghĩa và ngay cả thi ca trình diễn…Bất luận xây dựng dưới hình thức nào, thể cách nào. Mặc; ‘cái đặc quyền của cái nghề làm thơ là không cần phải chứng minh, không biện lý mà vẫn thu thập’ (J. M. Guyau) đó mới là thực chất của thơ.

Thơ thường là sự phơi mở hay bày tỏ một cái gì chất chứa trong tim; hầu như những nhà thơ trẻ muốn có một ‘thẩm quyết / verdict’ về cái gì mình muốn nói và muốn tìm đến nhà xuất bản để gởi gắm tâm hồn. Và; những thi sĩ trẻ luôn luôn muốn tạo ngạc nhiên và ‘ngộ’ được cái của mình. Có người; có kinh nghiệm do thiên phú hoặc họ thu lượm được từ bạn đồng song nếu không ấp ủ trong trứng nước của người mẹ họ -if not from their mother’s womb- nghĩa là sinh ra để làm thơ (born to poet). Miệt thị quá! có tài về thơ là một chuyện nhưng tài mà không trí (thức) thì cái đó gọi là thơ xuôi (plane); như đã nói ở trên phải song hành thì mới tuyệt xuất còn bằng không thi uổng công tạo hóa(!). Chân lý mà nói ở cái tuổi dậy thì đã chớm nảy ý thức yêu, đượm trong hồn một tinh thần lãng mạn của tự thức và từ đó xâm nhập vào tiềm thức cho tới khi kết tinh và linh hóa vào trạng huống của thơ và chính sự cớ đó đã chìm lắng vào tâm hồn ‘thi nhân’, do đó; ngàn bài thơ đều vướng tình, thể hiện dưới thể điệu khác nhau, đôi khi ngợi ca, đôi khi che giấu mà tưởng rằng khó có ai biết được nỗi lòng của mình, nhưng thơ tức là người; mà họ tưởng độc quyền trong cõi phi đó. Nếu tương phản được; thời đó là bài thơ hay, cảm hóa được, còn bằng không bài thơ đó không nhìn đó là thơ –if it resembled them; it was good , otherwise it was of no account.(Hermann Hesse / My Belief). Điều này không phải là mục đích càn dở. Nhưng ở đây chúng ta hướng đến nghệ thuật thi ca không những chỉ moi móc bài thơ dở để ‘vạch lá bắt sâu’ mà đào sâu vào cái lý của thơ; cái sự cớ này thường thấy ở những người làm thơ, ngoại trừ bài thơ đó làm ra cho chính họ mà mỗi đôi khi cái quan niệm đó hóa ra tầm thường không cần thiết phải làm, thế nhưng dòng chảy còn tồn tại và cứ nhìn mình là chính, là hay hơn người cho nên ‘posted’ được là nhu cầu của thi nhân. Và; dần dà nó trở thành thói quen (bad habit). Cho nên chuyện làm thơ không phải dễ và đơn giản, vì rằng thơ ai làm cũng được từ thượng vàng hạ cám nhưng phải nói một cách chân chính thơ có ba loại thơ: thơ có hồn, có chất thì gọi là nguồn thơ ‘lý tưởng’, loại này cực siêu để trở nên vô-ngôn-thơ còn hầu hết là loại thơ thường tình, phổ thông, đơn điệu có khi còn gọi là vô-thức-thơ. Có một vài sự cớ hiển lộ ở chính nó đưa tới mơ hồ tối nghĩa (nếu được coi là vô-nghĩa-thơ). Trường hợp như thế bài thơ trở nên tẻ, khô, héo và không có sinh khí; mà là một lỗ trống, như có cái gì bộc phá chống chế thơ.–it was at once boring, dry and lifeless; it was full of holes, something in the rebelled against it. Không chừng nhà thơ cho rằng nhận định như thế là thái độ không hợp thời trang (?). Một đôi khi sự cớ xẩy ra một cách đơn giản, ngẫu nhiên đối với người đọc cho là bài thơ dở và từ đó trở nên định kiến giữa tác phẩm và tác giả. Nhưng không lâu những gì cho là xấu (bad poems), đột nhiên tìm thấy mùi hương trong đó, một cái gì lạ lùng nhân thế, một cái gì hồn nhiên lạ, hiển lộ một cái gì dịu dàng và một cái gì lầm lở, sai sót đều được chạm tới một cách đặc biệt, bởi; tất cả là dấu hiệu thân ái, vui thích một lối bày tỏ trong thơ như một đối chiếu, so sánh của thuật ngữ thơ và làm cho bài thơ đẹp ý, đẹp tình. Gần như một lối chơi chữ có tính bông đùa mà nghe như bình thường. Sở dĩ có những dáng thơ như thế một phần chịu ảnh hưởng quá nhiều trào lưu tư tưởng mới; nhất là các khuynh hướng thơ, đó là nhu cầu đòi hỏi của thời đương đại, ngay cả những nhà thơ của những trường phái khác nhau. Những bài thơ nổi tiếng trước đây đều được coi là dòng thơ cổ điển và đứng sau trào lưu mới, gọi là tân thi ca (new-poetry) nó khống lĩnh toàn cầu để chế ra nhiều thể loại khác nhau. Thi vị hóa từ những nhà thơ trẻ, tâm hồn trẻ, sáng tạo một ngữ ngôn mới lạ, dù rằng đọc lên nghe ngủng ngẳng nhưng lại ăn hợp thời đại. Thi ca đó được gọi là thi ca đương đại, vấn đề của người làm thơ hôm nay là phá luật để tạo hiện tượng. Phỏng chừng như những gì họ sáng tác ra được là hợp tình, hợp lý. Ý thức chủ quan đã đánh đổ họ, nhưng không; đôi khi giòng thơ trẻ làm mới trong cách trình diễn mà không bắt gặp cái dở nằm trong thơ. Lý do dễ tìm thấy nguồn cơn cho một bài thơ: trải vào đó một vài cái không đều đặng như tiếng gào, tiếng dục, dáng điệu một tác động trong hồn sự sống như tìm cái thế phòng ngự cho chính nó hoặc để trở nên ý thức cho một cảm thức qua kinh nghiệm làm thơ. Có thể đó là một phát khởi từ tâm thức mà ra hoặc là chức năng quan trọng không còn là thơ mà là phán xét hay, dở của bài thơ. Có vô vàn ngẫu hứng thành thơ và có vô vàn lý do trong ngữ ngôn của thơ. Không có thi nhân nào hay hơn thi nhân nào, không có thi nhân nào là đúng hơn cả để yên vị vào đó –No one of them does better than the others, no one is more in the right than the rest (The Soul of Poems by Hermann Hesse).
Thời bây giờ; những bài thơ ‘đẹp’ tuồng như có nghi ngờ cái gì không thực trong đó và một cái gì lấn cấn trong đó, những thứ đó đã thuần hóa và thích nghi như chuyên môn và nghi thức.Và; tuồng như là thế giới riêng tư của nhà thơ, đỏm dáng tỏ ra hay chữ; cái đó hoàn toàn ngố ngáo đến người đọc và làm cho người ta nghĩ đến cái hay không còn nữa ở bài thơ đẹp (beautiful poems). Để rồi cùng nhau chấp thuận dễ dàng, tất cả thuần thục, tất cả giống như thân ruột, đăng đàn diễn tế một cách vô tư. Tư duy đó đứng lại ở người làm thơ, còn tư duy của người đọc là chạy cho tới khi đụng phải một vị thơ thực chất, trong sáng không chứa chất vị ngã. Chớ đừng nghĩ bài thơ xấu là dở; nó vẫn có cái tinh anh của nó .Từ đó người ta thấy cái đẹp trong cái xấu của thơ (beautiful ‘bad-poems’). Như thế không một bài thơ nào có thể cho là dở tệ. Cần phải chiêm nghiệm mới thấy được thơ. Ngay những bài thơ năm ba chữ là thể loại khó đúc kết, nếu chứa một bản ngã tự tại, vì; thơ hay văn mà có ‘cái đáng ghét’ trong đó thời thể loại đó coi như không phải là thơ. Loại đó chỉ là thể thơ trình diễn dưới một góc độ nào đó thôi. Bất luận là gì phải có hồn và thức mới kết duyên với thơ. Nhớ cho! Cảm hứng đưa tới thơ, chớ thơ không đưa tới cảm hứng. Thơ dễ cho mọi người nhưng thơ rất chướng khí và khó tính; được cái là giàu lòng vị tha. Ở điểm đó mà thơ mọc lên như cỏ. ‘Thượng đế đã sanh ra nhiều thi sĩ nhưng lại rất ít thơ’ (Charles Bukowski).

Giờ đây có một vài điều xẩy ra trong thơ với điều kiện giảm đi nỗi ưu tư, ràng buộc luật lệ hay cả nể mà cần buông thả để cho thơ được tự do, có thể đó là điều làm cho nhà thơ nhẹ nhõm tâm hồn cho mình và cho người khác, có thể là một linh động và một cảm thức trong thơ. Đó là một bài thơ đẹp! Dù cho đây là điều chắc chắn vô nghĩa (no means). Bài thơ ‘đẹp’ (ý và lời) làm cho nhà thơ yêu qúy, phẩm chất của thơ đã tạo được phần nào giá trị của thơ; đó là cái không cần phải chú ý đến ngọn nguồn thơ, thần thánh hóa hay vô tội của thơ; những thứ đó đi vào tâm của thi nhân bằng tất cả giác quan và ý thức, khêu gợi trong ký ức thâm sâu những gì khoái cảm tiền kiếp hay về một cõi xa mờ đã khuất. Vì thế thơ dở hay thơ hay chỉ đến trong một khoảnh khắc ngắn ngủi để rồi đánh giá một cách vội vàng. Vậy thì đọc thơ làm chi? Không một thi sĩ nào lại đi làm một hay nhiều bài thơ dở cho chính họ? Thử xem và sẽ thấy những dấu hiệu trong thơ dở. Nói cho ngay đôi khi trong cái dở nó đã làm cho mình thích thú, hơn là đọc những bài thơ hay có tính từ chương, qui luật vô hình trung tạo cảm giác lạ lùng, xa lạ không chừng lại chóng quên. Đứng trên lăng kính này không thể cho ta một định nghĩa xác quyết về thơ, trong hồn thơ nó bao hàm và chứa đựng cái ‘thánh thể’ ẩn tàng mà làm cho thi ca trở nên sinh động ngay cả bài thơ dở cũng có cái sinh động của nó. Cái sự diễn giải thơ tợ như diễn giải phim ảnh; nghĩa là có khúc cần phải giữ và có khúc cần phải cắt bỏ, cốt tạo một bố cục chặt chẽ. Tuy nhiên những bài thơ như thế vẫn liên hoàn. Cho nên chi dưới bất cứ dạng thơ nào đều có một giá trị tối thượng của nó. Phê bình thơ là một nhầm lẫn, là ‘tội ác’ đã khai chiến với thơ, nhưng cũng đừng vin vào thơ để tàn phá thơ; chỉ có những kẻ ngoại đạo đứng ngoài giáo đường thơ mới hành xử như thế, bởi; họ chưa đạt tới cái tinh anh hiển lộ trong thơ. Cũng không trách điều này vì thơ muôn vàn lý sự của nó. Nó có một cõi riêng, bởi; cái đẹp của thơ tạo nên cái nhìn khát vọng, tạo một vũ trụ thơ, vũ trụ của dự cuộc. Do đó thi ca có một quyền hạng tối hậu: bất khả thi và bất khả tư nghị. ‘thi thị khả giảng bất khả giảng chi gian’. Là thế đó!
Thi ca trong sáng và thực chất là thi ca thời thượng, qúy phái, trang trọng. Thơ siêu thoát là thơ không trói buộc, hệ lụy hay vị ngã mà trong đó phải có hồn và thức thời mới hòa hợp trọn vẹn lẫn ý và lời dù là thơ bình dân đi nữa. Thơ đời nào cũng vậy hay bất cứ trường phái, khuynh hướng nào, dưới mọi dạng thức trình diễn của thơ; việc yêu cầu tối thiểu là phải thoát tục và thực tướng của thơ thời mới thành thơ ./.

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc 17/8/2014)

* Hermann Hess (1877-1962) Văn thi sĩ Đức. Nobel Văn chương 1946.

TẢN MẠN VỀ KHỔ ĐAU VÀ VƯỢT THOÁT KHỔ ĐAU

tản văn PHẠM NGA

khodau 1

“Đời người là bể khổ!”, sống ở đời đã là người thì ai trong chúng ta cũng đều ít nhiều từng trải qua những kinh nghiệm hiển nhiên, rất cụ thể về khổ đau. Nguyên từ ‘khổ’ cùng từ ghép ‘khổ tâm’thường được dùng để biểu thị những tình trạng xấu, tiêu cực, thương tổn về tinh thần, cảm xúc, như khi bị mất người thân, mất tài sản, thất tình, thi rớt, bị đuổi việc, làm ăn thua lỗ, tù tội…; còn từ ‘đau’ cùng từ láy ‘đau đớn’ biểu thị nghiêng về tình trạng xấu, tiêu cực, thương tổn nơi thể xác hay cảm nhận giác quan do báo động ‘đau’ từ hệ thần kinh, như khi bị thương tích trên người, bệnh tật, đau nhức ở một bộ phận cơ thể, giải phẫu…
Tuy nhiên, như cả phương Tây cùng phương Đông đều công nhân, con người tức TÔI/CHỦ THỂ từ căn bản là một thực tại duy nhất/thống nhất, có 2 phần TÂM lý và THỂ lý hoạt động song hành nhịp nhàng, luôn hỗ tương, ảnh hưởng nhau. Ví dụ: nói “Tôi khổ vì cái khớp vai đau mãi” là chuẩn nhất theo quan điểm ‘Tâm thể lý song hành’nêu trên, cho thấy cái tôi chủ thể đã cảm nhận mình bị khổ (thương tổn tâm lý) khi khớp vai bị đau (thương tổn thể lý). Tương tự, trong ngôn ngữ văn chương một chút thì có từ ‘đau thương’ thật hay, bắt đầu bằng chữ ‘đau’nghe nghiêng về thể xác nhưng chữ ‘thương’ đi kèm đã cho thấy ngay là chủ thể ‘tôi’ đang bị thương tổn nhất định cả về tâm hồn lẫn thân xác. Còn nói: “Răng tôi đau” thì ai cùng hiểu, nhưng chính xác hơn nên nói là “Tôi đau răng”, theo nghĩa ‘Tôi đau ở răng’.
Cũng chính con người chúng ta, khi rơi vào khổ đau thì cái khổ cái đau dù nặng nề, chua xót đến mấy, ta luôn tìm cách này cách khác để vượt thoát thảm trạng một cách gần như phản xạ tự nhiên Đó cũng là biểu hiện của bản năng tự vệ/sinh tồn bẩm sinh của loài người, vốn trong cuộc sống đã không ngừng chống trả lại khổ đau mỗi khi các dạng khổ đau xảy đến như những mối nguy đe dọa hay đã trực tiếp xâm hại nhân cách tâm lý hay sức khỏe thể xác.

1.
Đời người là bể khổ mênh mông, đối lại thì con người cũng có những phương cách chủ quan rất đa dạng nhằm vượt thoát khổ đau. Thật đơn giản như chuyện một đứa bé bị ngã, người mẹ có mặt lúc đó sẽ ngay lập tức ra tay giúp con mình thoát ra khỏi cảm giác đau đớn và sợ hãi. Mỗi bà mẹ đều có cách riêng để dỗ dành con mình, người thì vừa vuốt xoa chỗ đau vừa dịu dàng trấn an: “Không sao đâu con à. Nè không đau, không đau nghe!”, người thì ôm con vào lòng, hôn lên chỗ đau, thủ thỉ: “Cục cưng của mẹ hết đau nhé!”; có người còn giả bộ đánh nhẹ lên mặt sân, cho con mình thấy là đã trừng phạt ‘thủ phạm’ vừa khiến nó ngã, rằng; “Chết mày nè, dám làm cu Tí đau hả? Chết mày nè!”.
Tương tự những bà mẹ cố gắng trấn an con mình, trong một số trường hợp gay go người viết bài này cùng đã cố gắng tự trấn tỉnh bằng niềm tin tôn giáo, điển hình như cái lần đầu tiên không-thể-nào-quên bị BS làm nội soi ruột già trong bênh viện. Lần đó, bởi không được hướng dẫn trước chu đáo nên tôi không biết yêu cầu nội soi có gây mê, cách này dù có tốn tiền hơn gấp 2.5 lần so với không gây mê đi nữa cũng rất đáng làm, bởi khi thấm thuốc mê, thiếp đi thì mình không thể cảm thấy đau đớn gì, coi như ngủ một giấc dậy mọi việc xong xuôi hết. Đằng này, tôi đã phải chịu đau đớn khủng khiếp khi BS đẩy cái ống nội soi dần dần vào sâu trong ruột già mình và đau đến toát mồ hôi, muốn xỉu khi ống quẹo ‘cua’.Tôi đã mấy lần báo “đau quá bác sĩ ơi!”nhưng ông này chỉ trấn an tôi: “Chú ráng chịu đau chút đi, sẽ xong nhanh đây!”. Tôi cũng có nghe cô y tá nói nhỏ: “Thôi BS cho tạm ngưng, chích cho ổng một mũi giảm đau đi, cho ổng đỡ đau chút”, vậy mà cái ông thầy thuốc khó thương kia không rõ vì lý do gì đã không đồng ý… Trong cơn đau tôi chợt buộc miệng niệm, niệm liên tục: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm bồ tát” như đã từng niệm trong một số hoàn cảnh ngặt nghèo, sinh tử trong cuộc đời. Kết quả theo tôi nhớ là cảm giác đau đớn có giảm bớt đôi phẩn, giúp tôi đã có thể tiếp tục chịu đựng cái đau cho đến khi thủ thuật nội soi kết thúc.
Trong cơn khổ đau, nhiều người trong chúng ta còn tìm cách chuyển hướng tâm tưởng mình từ cơn phiền muộn tối tăm sang các ý tưởng, hồi tưởng tươi sáng hơn, như: vừa mất người thân thì ôn lại quãng thời gian cùng nhau gần gũi, cùng sinh hoạt thật hạnh phúc với người ấy trong gia đình; đang thất tình, bị cách trở thì nhớ lại các kỷ niệm vui vẻ, ngọt ngào với người ấy; đang thất thế, bị ‘đì’ ở nơi làm việc thì nhớ lại thời được cấp trên quí trọng, đồng nghiệp nể nang bởi công lao, thành tích của mình…
Có điều là trong trường hợp đau khổ vì tình, coi chừng bị phản ứng ngược khi hồi tưởng những kỷ niệm vui vầy bên người yêu. Làm như vậy có thể sẽ nguôi ngoai nhung nhớ phần nào, nhưng ngược lại, cũng có thể ‘khó sống’ hơn khi bị dội ngược vào cảm giác cô đơn, hiu quạnh không thể chịu nổi, nhất là khi còn phát sinh nghi ngờ, oán trách.
Nhân đây mới thấy vai trò ‘hai mặt’ tráo trở ghê gớm của óc tưởng tượng. Cũng chính quan năng tâm lý này có thể giúp kẻ thất tình hay bị tình yêu trắc trở tạm thoát khỏi khổ đau một khi chìm đắm trong hình ảnh tưởng tượng rằng mai mốt đây làm lành, tha hồ âu yếm vui vẻ bên nhau…; nhưng ngược lại, cùng chính óc tưởng tượng có thể vẽ vời, tô đậm, bi đát hóa thêm thảm kịch, chẳng hạn tưởng tượng người mình yêu giờ này đã bôi bạc, đang tay-trong-tay với người khác.
khodau 2Rồi trong nỗi khổ tâm vì bị thua thiệt, mất mát quyền lợi, địa vị hay bị làm nhục, khinh rẽ, xua đuổi…, người ta có thể tự an ủi, như nghĩ: “Nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình” hay nghĩ cụ thể đến một người/những người thua kém hơn mình nhiều về mặt này/mặt khác, đáng lý họ phải khổ tâm nhưng thực tế họ vẫn cứ đang vui sống bình thường, vậy mình tiếc nuối làm gì nhừng danh vọng, địa vị vừa mất? Nhìn chung, người khổ tâm vì bị thua sút, mất mát quyền lợi, địa vị, có thể dễ tìm cách cứu vãn, dễ nghĩ ra cách giải quyết thảm trạng, khắc phục những thiệt hại mất mát hơn một khi họ chịu tự ‘phá giá đồng bạc’, bằng lòng với điều kiện, thân phận hiện có. “Cái số, cái mạng của mình như vậy mà! Đành chịu thôi!”. Lúc này, niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo có dịp lên ngôi, và Trời, Phật, Chúa sẽ được con người khổ đau khẩn thiết kêu cầu như những thế lực vô hình, siêu nhiên sẽ đứng ra độ trì, giải cứu cho họ thoát ra khỏi nghịch cảnh, thảm cảnh gây khổ đau.
Đáng suy nghĩ là có người lại vượt thoát khổ đau bằng cách, dù thực tế thảm trạng vẫn diễn ra y nguyên thế nhưng họ vẫn như nhắm mắt phủ nhận (với chính mình) giá trị của nguồn cội hay tác nhân gây khổ đau cho họ – tâm lý này được gọi là ‘ngụy tín’, làm liên tưởng đến con đà điểu, giống chim có thói cứ gặp điều gì nguy hiểm đe dọa quá thì chỉ rúc đầu vào bụi rậm, không chạy trốn nữa, bởi đà điểu “nghĩ” rằng khi mình không thấy mối nguy bởi đã rúc đầu vào bụi thì mối nguy sẽ biến mất thôi! Còn trong vở kich dân gian Nghêu Sò Ốc Hến, có cảnh thầy bói Nghêu bị lính của quan huyện chận đường tra xét, đã tát tai lão thầy bói mù mà miệng lưỡi rất ranh ma, xiêng xỏ cay độc này, lão Nghêu vẫn cười gằn, bảo tên lính: “Mày đánh tao, tao không đau gì cả, mày mới đau vì khác gì mày đã đánh bố mày!”.
Đỉnh điểm của tâm lý khổ nhục còn khiến người ta không những ngụy tín ‘hạ giá’, khinh bỉ đối phương như lão Nghêu mà còn nung nấu ý định đồng thời vạch ra kế hoạch trả đũa, trả thù người gây khổ đau cho mình.Hay khi đã tuyệt vọng, họ lại mơ hồ muốn tự vẫn cho rồi, như thể tin rằng chỉ có cái chết mới giúp họ vượt thoát được mọi khổ đau.

3.
Trong cơn khổ đau, bên cạnh những phương cách vượt thoát chủ quan khởi phát từ nội tâm, con người còn có thể ngẫu nhiên được giải thoát khỏi khổ đau nhờ tác động ngoại tại. Ví dụ như cơn phiền muộn có thể dần hồi nguôi ngoai khi ngoại cảnh thiên nhiên xung quanh ta bỗng có biến đổi hay ho, tích cực, như: cơn mưa hay làn gió mát mẻ thổi qua, ánh trăng mơ màng ló dạng, tia nắng mặt trời chiếu đến thật rực rỡ… Ngay trong tâm trạng bình thường, ai ai cũng đều dễ chú ý và thích thú hình ảnh của bầu trời xanh ngát, ánh trăng mờ ảo, bãi biển cát trắng ngần… Lại càng thu hút và tăng thêm hiệu quả xoa dịu niềm đau khi trong những khung cảnh thơ mộng ấy còn vang vọng tiếng hát, tiếng đàn, tiếng chim hót, tiếng sáo diều, tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng mẹ ru con, tiểng suối chảy róc rách hay sóng vỗ rì rào… Có lần, trong một cơn khổ đau trầm kha, tôi tìm đến một quán cà phê thật vắng vẻ ngồi gặm nhấm nỗi niềm, chợt trong câu chuyên trao đổi của hai người lạ ngồi bàn bên cạnh có nhắc đến Nha Trang, đất quê hồn hậu mà đã mấy chục năm tôi không có dịp quay về. Tự nhiên họ nhắc đến một vài nơi chốn ở thành phố này xa xưa, vốn đã rất quen thuộc, thân thương từ thời tôi còn niên thiếu đến tuổi thành niên, như: bãi tắm ở khu ‘Thông tin’ nhìn ra, cà phê Hân gần rạp Tân Tân, vườn dừa bên Kim Bồng… Tôi mê mãi lắng nghe chuyện-của-người-ta mà như trong chốc lát chợt được thoát khỏi hiện tại đau buồn này mà quay về với một chặng quá khứ thật êm đềm, để rồi nỗi buồn đau lặng lẽ thối lui tự hồi nào không hay…

3.
Do con người chủ quan tự suy lý hay do ngoại cảnh khách quan tác động vào thảm cảnh, thân tâm con người đau khổ sẽ có những chuyển biến khác nhau, nhưng nhìn chung, tiếc rằng kết quả hồi phục tâm lý hiếm khi toàn vẹn, kể cả khi nguyên nhân, tác nhân gây khổ đau không tồn tại nữa.
Do cách này cách khác, nỗi khổ tâm hay đau đớn dần hồi có thể giảm nhẹ đi, tâm trạng từ quay cuồng trong khổ hận có thề từ từ thăng bằng, tức bình tĩnh trở lại, vết thương trên châu thân có thể lần hồi giảm đau hay gần như hết đau hẳn. Hay ngược lại, khổ tâm quá sâu nặng tất nhiên sẽ rất lâu nguôi ngoai hay vết thương trên thân thể quá trầm trọng sẽ lâu lành, cứ đau âm ỉ mãi thôi.
Hẳn là khi nỗi khổ đau đạt đến cao trào, người ta thường chuyển từ bi hận sang dửng dưng, lạnh lùng, trong lòng không còn niềm vui nỗi buồn nào. Vâng, đã cạn dòng nước mắt, như một ca khúc xưa của The Rolling Stones muốn nói rằng khi ấy người ta chỉ ngồi yên, thấm thía sự bất lực của mình – có giàu có cũng không đánh đổi được gì và chỉ còn muốn được nghe con trẻ hát hay tiếng mưa rơi…
My riches can’t buy everything
I want to hear the children sing
All I hear is the sound
Of rain falling on the ground .
(AS TEARS GO BY, The Rolling Stones 1966)
Thực tế đã cho thấy khổ đau tột độ có thể khiến con người hóa điên hóa dại, la hét gây náo động hay chạy rong phá phách; ngược lại họ cũng có thể im lìm, bất động, như tâm hồn họ chợt trống rỗng, tê dại, vắng bặt mọi cảm xúc, nghĩ suy, dù là cảm nghĩ tiêu cực (chán sống) hay tích cực (hy vọng). Không còn “sóng gió trong lòng” gì nữa nhưng lại là một kiểu bình an đáng sợ!
Nguyên khoảng hơn 20 năm trước, người viết bài này có một người bạn thân đã rơi vào tâm cảnh tối tăm khủng khiếp này. Thời ấy gia đình chị ngụ ở thành phố Vũng Tàu, chồng chị là Việt kiều Mỹ về nước mờ công ty thiết kế – xây dựng ngành cầu đường. Biến cố khủng khiếp đã xảy đến, anh bị kết án từ hình về tội tham nhũng trong công trình (liên doanh) làm tuyến đại lộ lớn nhất thời đó cho Vũng Tàu, còn tên cán bộ cao cấp vốn chính là đầu sỏ chủ mưu tham ô thì chỉ bị án chung thân. Nhận xác chồng bị bắn ở pháp trường về chôn cất xong, chị bạn đã không nói một tiếng nào suốt 2 tháng, có nghĩa khổ đau, uất hận đã khiến chị tắt nghẹn tiếng nói…

PHẠM NGA
(tháng 6-2020)

BẠN VĂN VÀ TÔI

Võ Công Liêm

tinhvat

TRANH VẼ Võ Công Liêm: ‘Tĩnh vật Hoa trái’

Nhà văn Bình Nguyên Lộc có nói: ‘về quê là lên nguồn đời mình’ tôi xét lời nói ấy quả không ngoa cho những khách tha phương mỗi khi nhớ quê. Cái lòng hăm hở đó như lời cảnh báo, vì lẽ; quê hương là nắm nhau, cuống rốn tuy có xa mặt cách lòng nhưng không phải vì thế mà chối bỏ hay đoạn tuyệt. Nó có cái hồn thiêng trong chúng ta.Từ chỗ đó; nó ray rứt, nó quấn quýt, nó ôm đầm như thân phận kẻ lưu đày.
Một số người trước đây hối hả ra đi cho bằng được như thử bị quê hương ruồng rẫy hay ‘khai trừ’. Nghe ra tợ như có điều gì phũ phàng, tàn nhẫn. Thoạt kỳ thủy; mới nhận ra rằng ‘home sweet home’ là nơi về của mái nhà xưa mà cả đôi bờ coi như lời hẹn ước. Dẫu là nghìn trùng xa cách nhưng lòng hoài hương vẫn hiện hữu không dứt. Người đi hay người ở đều nhìn nhận tình quê chan chứa. Bạn tôi tha phương cầu thực một thời như tôi. Nói rằng: -thương đọt bí, đọt bầu chi lạ! Tưởng bạn tôi lãng mạn hóa cuộc đời. Suy rộng thấy bạn tôi thật lòng. Không phải giải thích và chẳng phải nói nhiều. Thì ra; chúng ta cùng cảnh ngộ. Mà khi đã ngộ ra được thì không còn chi để trách cứ mà cho rằng quá đả khuynh?. Tôi hối hả ra đi và lâm vào hoàn cảnh tương tợ như vậy. Nói cho ngay; chuyện ra đi có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng riêng tôi đi là ‘tu nghiệp’ để thấy mình thấy ta, trăm trận trăm thắng là ở chỗ đó. Cho nên chi học mấy cũng thấy mình ngu mà không thấy trận nào thắng cả; từ đó chỉ học ở tình bạn là cao qúy. Bởi; trong cái tình người nó chứa cái tình đất nước muôn năm. Xưa hối hả đi thì nay hối hả về là thế.
Về quê lần này tôi được cái hân hạnh đón tiếp một số văn nhân cũ, mới. Kỳ thực thì không có ai mới cả mà tuồng như đã biết nhau từ lâu; tuy không bằng xương bằng thịt nhưng đã gặp nhau trong văn thơ và đã nói với nhau nhiều điều như đã thân quen, bởi; dễ hiểu điều này qua cụm từ ‘style c’est l’homme’ cho nên chi không còn là người xa lạ hay qua một trung gian nào mà chúng tôi đến với cái tình chân. Tình người cao qúi đọng trong một tâm hồn tha thiết, không vin vào nhau để giới thiệu cái ‘le moi’ qủi quái và đáng ghét đó. Hầu hết bạn văn tôi không có thái độ ấy; dù một mảy may nhỏ nhen đều không có mà dâng một tấm lòng cao thượng. Qúi mến nhau mới gọi là thân nhau; bất luận ở nơi nào.

Yoshiro Soseki: Thi sĩ đương đại; con chim sẻ mùa xuân.
Đến Nhật Bản vào đầu tháng hai, tháng xuân hoa anh đào nở, khí trời heo heo như bên nhà. Ở chơi một tuần mà gắn bó vô cùng; cái tình Nhật là cái tình ‘hiệp sĩ đạo’ trọng danh dự hơn trọng tiền bạc.Tôi thân quen người bạn Nhật trong thoáng chốc mà trở nên cái tình dài lâu, bởi; chúng tôi ăn ngay nói thực, chả phải giấu điều gì, chẳng phải là biên giới ‘khách nước ngoài’ cho nên mạnh miệng. Chúng tôi bày tỏ bằng ‘nội công’ tâm truyền tâm và giữa chúng tôi bình đẳng không ‘face talk’ không ‘money talk’. Yoshiro đưa chúng tôi tham quan nhiều nơi.Chúng tôi không còn xa lạ qua sự trọng khách của chủ nhà. Một cái thưa hai cái trình…Gặp nhau tình cờ như đã hẹn ở cửa hàng sushi; món ăn truyền thống Nhật, một lối ẩm thực có lồng chất Thiền vào trong cách sống. Chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh quang, bối rối trong kiểu cách ăn sushi và uống sakê, thực khách hầu hết là dân Nhật, phần đông ngồi ở bàn ghế thấp hoặc phòng riêng có gối ngồi. Chúng tôi ngồi ở quầy để trực tiếp nhìn những tay đầu bếp ‘múa võ’, cạnh tôi một thiếu nữ khác, tuổi ngoài ba mươi đưa mắt mỉm cười thân thiện, và; từ đó chúng tôi trao đổi nhiều chuyện khác nhau, dần dà mới hay nàng là thi nhân, tuy nàng kín đáo về chuyện làm thơ nhưng cuối cùng nàng cho biết nàng yêu thơ. Hóa ra chúng tôi là những người trong làng văn nghệ mà gặp nhau tình cờ.Tôi chẳng nói với nàng tôi làm thơ và nàng cũng chẳng nói nàng là thi sĩ. Nhưng gặp nhau trên cái đất văn vật này cũng đã ngộ ra được cái chất thơ trong con người thơ…Nhớ những khi ngồi ăn mì gói, uống sake trong con hẻm nhỏ mà nhớ con hẻm quê nhà. Đất nước mình có nhiều đặc ưu hơn nơi khác nhưng không biết ‘dụng võ’ cho nên mai một mà chỉ hướng đến cái của người khác làm chuẩn. Nhìn cung cách Yoshiro mà nghĩ đến dáng kiều của ta; cũng có thể do từ phong thổ, tập quán tạo nên?
Hôm nàng tiễn chúng tôi ra phi cảng trao tặng tập thơ mới xuất bản (dĩ nhiên là Nhật ngữ) để giao duyên văn hóa.Tôi không hiểu một chữ hay một nghĩa nào nhưng hình thức qua lối dựng thơ tôi cũng nhận biết được hồn thơ của thi sĩ bộc bạch một cái gì chân tình trong thơ, bởi; nhìn con người của Yoshiro không thể có một nghi ngờ nào hơn. Duyên kỳ ngộ! Yoshiro cho biết thêm: nàng là con cháu nhà văn lừng lẫy Nhật Natsume Soseki (1867-1916) với tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng Kokoro và đã được dịch qua nhiều ngoại ngữ. Gia tộc nàng gốc Đông Kinh. Thì ra; hạnh phúc đến bất ngờ là hạnh phúc có thực ở đời.

Kiệt Tấn: Dân miệt vườn . Uống cạn tào ráo ván.
Sau tết ở Sàigòn trời âm u, bởi; có những trận mưa lai rai làm cho đường sá còn rịn mùi ẩm thấp. Chúng tôi gặp nhau ở ‘Thềm Xưa’ nơi Thân Trọng Minh thường ‘tọa thiền’ một mình hoặc một vài bạn thân quen xưa cũ. Cái sự đến của Thân Trọng Minh thường thấy trầm ngâm, kín đáo là đặc chất của người lương y. Tôi gặp Kiệt Tấn ở đây. Chúng tôi nhìn nhau như đã quen nhau lâu lắm nay mới hội ngộ. Kiệt Tấn có nụ cười nửa mép như nhân vật trong truyện của anh viết. Tôi biết Kiệt Tấn thuở thập niên sáu mươi (60). Mỗi lần đọc truyện anh, tôi thường phán chữ Đan Mạch (đ.m.) vào văn anh. Hôm nay gặp lại nhau tôi kể cho anh biết về cái sự vụ phải dùng ngôn ngữ Denmark với anh vì tôi phục cái ngông nghênh văn chương của anh. -Được thôi! Kiệt Tấn nói. Ngày hôm sau tôi uống rượu với nhà văn tả thực này mới thấy lòng phấn khởi. Phong cách về già của Kiệt Tấn là đà như E. Hemingway mỗi khi uống rượu. Cả hai nhà văn này có cái sâu lắng thâm hậu, nghĩa là ‘rịm rím một vịm troi’ ở cái chỗ đó mới thành văn hay. Nhà văn chân tình là nói toạt những gì như thật trong sự nghiệp cũng như trong cuộc đời, những gì mà đời ít ai thực hiện được. Nếu đem tinh thần Kiệt Tấn ra so sánh với H. Miller thì không khác nhau mấy. Một đằng hụỵch toẹt và một đằng kín đáo thâm trầm. Huỵch toẹt của Miller là thẳng thừng, huỵch toẹt của Kiệt Tấn là huỵch toẹt hơn cả huỵch toẹt đó là nhà văn có một mớ kinh nghiệm đầy đầu trong cách dụng văn: khôn ngoan và trí tuệ. Bởi cả hai nhà văn này đa tình và lãng mạn trong đời và trong văn chương; cả hai đều có chất ‘đế’ trong hồn nên dựng truyện có đế. Điều này không ngạc nhiên chi mấy. Nhưng ngạc nhiên phong thái Kiệt Tấn không thay đổi, dẫu lúc này anh không bỏ hồn vào viết lách một cách dữ dội như xưa. Anh cho tái lại*là vại nước đái.Tư duy của nhà văn là biết dừng đúng lúc để cho sự nghiệp của mình không dừng lại. Đấy là chân chính. Kiệt Tấn chỉ cúi nhìn và cười nụ cười ‘tre trúc’.
Chúng tôi gặp nhau rất tình cờ; tôi ở phương này, anh ở phương kia trên cùng một hành tinh này nhưng sự gặp gỡ tợ như đã có hẹn. Cái nhìn trực diện của Kiệt Tấn là nhìn để nhận diện giữa ta và người, giữa chủ thể và tha thể có cùng hợp chất để dung thông. Đó là cảm quan của tôi khi nhìn ‘bộ dáng/ body /corps’ của anh là một con người ‘dày dạn phong sương’. Nhưng không! cảm giác đó hoàn toàn nghịch lý trong tôi, bởi; trong anh đã phản phất một sự thật có thực qua cử chỉ và lời nói. Quả vậy; anh đã hoà tan vào đó một hóa chất kích thích tố để sống dậy một lần trong tôi và anh. Tôi đón nhận sự chân tình nơi anh cũng như trong văn chương anh là cả một bung phá tiềm tàng, một tiềm thức trú ngụ trong dạng thức của trí tuệ để phát sinh thành ngữ ngôn trong văn chương cũng như trong đời thường…Rất nhiều văn nhân nhận định, bình giải hay phê bình con người Kiệt Tấn trong vai trò khách thể, dựa qua tác phẩm của anh đã viết ra; lối mổ xẻ đó không có một tác động nào nơi nhà văn mà chỉ là người đứng nhìn sự kiện; gần như rập khuôn, nhai lại, khách sáo trí thức, nó không nói toát cái hóa trị (chemistry) là bản chất cố hữu nơi anh một cách độc đáo để thành hình ngữ ngôn trong tác phẩm. Lối bình giải cổ điển là tác hại cho tác giả đã gởi gắm toàn diện tình người, tình nước tình non vào trong đó và đại diện cho chính mình. Trên kệ sách của tôi có một số tác phẩm của Kiệt Tấn. Từ tập ‘Nụ Cười Tre Trúc’, ‘Nghe Mưa’ ‘Em Điên Xõa Tóc’; chừng đó đủ để cho tôi thấy được hồn tác giả ký gởi những gì là bi thương thống thiết. Anh hơn tôi có đôi ba tuổi nhưng anh lớn hẳn hơn tôi về mọi thể kể cả sự nghiệp văn chương của anh mà tôi đọc như một hoài niệm ký ức. Thế nhưng; giữa chúng tôi phá chấp, không còn có tâm phân biệt. Hai chúng tôi sống thực như chưa bao giờ sống. Đấy cũng là cơ duyên hay là ‘hữu xạ tự nhiên hương’ không biết ráp cái câu ngạn ngữ này có phù hợp nhân thế văn nghệ? Nhưng; có thể do từ một tâm thức phản kháng, một thứ phản kháng trí tuệ xâm nhập vào tri giác tôi. Hôm ngồi uống rượu với Kiệt Tấn mới nhận ra đặc chất nơi con người anh: không văn hoa bóng bẩy, không từ ngữ văn chương, không khách sáo đường bệ. Một bản chất tự tại hiếm có ở những nhà văn. Bọn chúng tôi uống đầy. Rượu vơi cạn. Tôi tính chào từ giả anh để ngày mai bay về đất tạm dung nhưng không nói, bởi; nói ra cái từ đó không đẹp lòng nhau. Tôi xô cửa, gật đầu nói: -Về! về đây là trở về ‘revêrs/back’ cái gì thuộc ‘daydream’ có nghĩa gặp như mơ-về giữa ban ngày. Gặp gỡ ở phương này, phương nọ là vũ trụ gặp gỡ của ‘dans les rêveriers cosmiques’ trong tôi và Kiệt Tấn. Cho nên chi; giữa chúng tôi là một hiện hữu, hiện hữu sống thực của: ‘je pense; donc je suis /cogito (Descartes).Tôi nghĩ Kiệt Tấn hiểu ý tôi.
* Tái lại: tái bản tác phẩm.

Đỗ Hồng Ngọc: Bác sĩ của văn chương hay còn gọi là bác sĩ chịu chơi.
Đỗ Hồng Ngọc đa dạng trên lãnh vực văn nghệ như tôi đã biết hơn là trên sự nghiệp chuyên môn. Anh có con mắt cười khi nói chuyện cho nên chi dễ cảm thông với người đọc.Thơ anh làm chân tình như hồn anh. Văn anh viết phản vào đó cái bản lai diện mục thực với chức năng y sĩ; thành ra giọng điệu không có chi là tàng ẩn hay ngụ ý, anh vẽ ký họa tài tình, anh không buông tha còn đứng ra dẫn chương trình cho bè bạn mỗi khi cần đến lời giới thiệu. Anh sốt sắng, không từ nan. Mấy đặc chất đó làm cho tôi nghĩ đến anh. Gặp Đỗ Hồng Ngọc và nhận ra anh qua nụ cười, nụ cười không ‘pha chế’ như đời thường cười. Tôi ký tặng tập truyện cho người bạn hiền lành mà tôi tha thiết được gặp. Tuy sơ ngộ nhưng đã để lại cho nhau cái tình văn nghệ thật sự. Chúng tôi trao đổi chuyện xưa, chuyện nay như cái tình anh em, như cái tình đồng điệu đã có trước đây. Ở tuổi hoàng hôn nhưng với Đỗ Hồng Ngọc không thấy chi hoàng hôn nơi anh. Anh viết khoẻ như hồn thanh niên từ xưa đến giờ. Cái hồn nhiên trong văn chương anh đã đạt tới đỉnh cao và anh đã ký tặng nhiều đầu sách cho độc giả bốn phương. Với một trí tuệ như vậy, thời tất trong đám người cầm ống nghe ít có như anh có. Thơ văn của anh chứa chất một tâm hồn lãng mạn và trữ tình…Anh nắm tay tôi giã từ mà lòng đầy hứa hẹn như tình nhân thuở anh còn ở đại học y khoa. Nhưng; riêng tôi cái nắm tay của anh như một hụt hẫng vừa bắt chụp thì lại bay xa. Anh cười vỗ về tôi như một cảm thông dài lâu.Tấm lòng của anh là tấm lòng của biển.Tâm hồn Đỗ Hồng Ngọc rộng mở từ nụ cười cho tới cử chỉ không thể nào mà không tin ở con người thật thà như thế. Gặp Đỗ Hồng Ngọc là một hạnh ngộ dài lâu. Bước đi thong thả của anh mang theo một tư duy sống động nơi tôi.

Elena Pucillo Trương: Một con người hai cuộc đời.
Tôi gặp chị trong một buổi cơm thân mật ở toà soạn Quán Văn của anh Nguyên Minh và một số đồng sự. Xuất hiện ở cửa phòng tôi nhận ra Elena, chị ném đến chúng tôi nụ cười khoan nhã và ưu ái. Trong đôi mắt của chị tôi đã đọc được những gì chị muốn nói. Mà thật! Trên dưới mười năm về với Việtnam, dạy ở đại học Việt, giao du thân mật với người Việt; từ chỗ đó không còn thấy chi là ‘khách nước ngoài’ mà hóa ra là con dâu xứ Nẫu. Ngặc thay! màu da, màu tóc không thể Việt hóa 100% cho ra Quảng, nhưng; để hoà nhập giữa hai cuộc đời chị tự lột bỏ cái áo khoát của thành quách La Mã, những hào quang ánh sáng minh tinh điện ảnh lừng danh để về sống chết với đất Chiêm (Bình Định); âu đó cũng là một gắn bó với định mệnh. Elena hiểu điều này hơn ai hết và rồi đi tới một quyết định dứt khoát là về làm con dân nước Việt. Chỉ trong vòng 10 năm chị nói tiếng Việt gần như thông thạo kể cả những lời nói thô tục chị hiểu rành rọt. Đó là một chứng minh của vợ chàng Trương; không những trong anh mà ngay cả cộng đồng lớn lao chị đã phủ dụ cái sai biệt đó, không ai nhìn chị là bà đầm Ý Đại Lợi. Dần dà người ta quen phong cách của chị: với nước mắm, hột vịt lộn hay ba cái thứ đồ nhậu chị nhúng đũa bình thường. Không phải chị nhắm thử cho biết cuộc đời mà chị ăn như thử chị là người Việt. Hoà nhập của Elena là cả một triết lý nhân sinh: dấn thân để thấy nghĩa lý cuộc đời. Do đó văn chương của chị mang màu sắc Đông phương hơn Tây phương. Chị viết sung mãn qua nhiều thể loại. Chị kềm kẹp đức lang quân để chuyển hóa ngữ ngôn gốc trở nên ngữ ngôn Việt tộc. Đọc những tác phẩm chị viết là cả một cảm thông sâu đậm. Nhờ vào yếu tố đó mà chị gần gũi với quần chúng. Tôi ví chị như nữ tiểu thuyết gia Mỹ Pearl S. Buck từng sống ở Trung Hoa, học ăn học nói để trở nên Tàu; nhưng so ra Elena khác với những người ly hương, nghĩa là họ không đánh đổi như Elena đánh đổi với cuộc đời chị. Tôi thầm phục lòng quả cảm của một người đàn bà xa xứ.Trong sâu thẳm của chị là con người tiên phong giữa mảng trời đầy màu sắc lạ lùng và dị biệt mà là kẻ khám phá mới cho tâm hồn dự cuộc. Chấp nhận mọi hoàn cảnh dù nắng mưa bất thường ở đất phương Nam; nhưng chị đã chinh phục để không còn thấy mình đơn độc giữa xứ lạ quê người. Tôi đọc một số tác phẩm chị viết cho tôi một lòng tự hào vô hạn. Một người bạn mà tôi mong được kết thân. Trong một bài viết ngắn: ‘Chung Một Đam Mê’ tôi thấy chị là một tài tử đa xuân tứ. Chúng tôi ngưỡng mộ qua tài năng và cái tình đối xử của chị. Elena Trương đã được một số văn nhân thừa nhận là ‘kẻ đưa đường’ mở lối trên chặn đường văn chương hiện nay. Chị là nhà văn nước ngoài hiếm ở đời này và được ngợi ca như một nhà văn chân thật. Nhận định về chị không một khác biệt nào hơn. Elena Pucillo Trương đã hóa Việt, bởi; chị sống thực giữa cuộc đời đang sống.

Từ Sâm: Một tinh thần tự khởi.
Trên không gian của chuyến bay Air Canada đọc thư email của bạn bè gởi thăm; trong đó có thư của Từ Sâm. Tôi ‘click’ ngay như vồ chụp một cái gì vừa tuột khỏi tầm tay. Tôi biết Từ Sâm mấy năm qua nhưng cứ để dành trong trí như ‘kỷ vật’ chờ có cơ hội giao duyên. Nay anh đến trong cái tình cờ nhưng hữu duyên vô cùng. Anh gõ xuống: ‘biết anh ở nhà Nguyên Minh mà không được dịp gặp nhau’ ngần ấy thôi cũng thấy được cái chân tình của con người văn nghệ. Trong cuộc đời sự gặp gỡ là cái trùng trùng duyên khởi bất ngờ và cũng khó mà định lượng nó đến từ đâu hay nó đến như cái nghiệp dĩ; nói theo ngữ ngôn ngày nay là ‘tình văn nghệ không hẹn mà gặp’. Quả là qúy ở đời này! Từ Sâm có gương mặt của tu sĩ hơn là kẻ phàm phu, anh hiền lành và thiện tâm trong đôi mắt nhân ái đó.Tôi chưa một lần ‘xáp lá cà’ vơi Từ Sâm thì lấy đâu mà có nhận xét như thế? -Tôi đọc nhiều thơ anh làm, những bài nhận định nghệ thuật anh viết, phê bình tác phẩm, tác giả anh soạn là chứng cớ để thấy được nhau. Giọng văn thủy chung, không có một gián tiếp nặng nhẹ mà hầu như anh ngợi ca cuộc đời và ngợi ca tình yêu; đấy là yếu tố cấy lên tế bào da mặt của anh và trong huyết lệ của anh để từ đó anh có một tinh thần tự khởi, một tinh thần của tư duy chớ không phải tinh thần của sự cố. Đứng trên vai trò khách quan nhận định về thi ca đương đại; có thể thấy Từ Sâm thuộc trường phái siêu thực qua bài thơ ‘Trăng Viên Mãn’ mà anh cho ra đời đã lâu. Không những một bài tượng trưng mà nhiều bài thơ khác đều một thể như thế. Sắp xếp lại từ A tới Z đều nhận ra đó là giòng thi ca đương đại. Về văn anh phân tích, lý giải, dẫn chứng rất cụ thể từng đường nét như vẽ tranh sơn dầu, nghĩa là thận trọng trong ‘gam’ màu cũng như ‘con chữ’ nó đan kết vào nhau hoà hợp (composition) như một bố cục chặt chẽ; thật không quá lời về điều này. Cho nên chi; hôm nay ‘kỷ vật’ đó được ‘khui’ ra như đập đồng binh nuôi con heo nái mà bản thân tôi ao ước từ lâu. Nói thêm về thơ của Từ Sâm tuồng như anh dốc sức vào đó qua một ngữ ngôn thống thiết trong đó có chứa một ít của bi thương, một cái gì tàng ẩn ngoài cái gương mặt tu sĩ của anh; không biết mỗi bài thơ anh nói những gì về nó, nhưng; chắc chắn ở đó là một sự kết tinh trong cách biểu đạt tư tưởng bằng ngôn từ. Từ chỗ thơ tự do, tân hình thức Từ Sâm biến dạng vào vô thể thơ có duyên lạ. Cơ may hạnh phúc chỉ tìm thấy để đạt tới sự chiếm cứ ‘le bonheur est dans a la quête la conquête’ qua mạch thơ, văn mà anh đã thực hiện xưa nay. Kết thân với người bạn văn nghệ như Từ Sâm là dấu ấn trong tôi.

Huế: Quê nhà.
Và tôi; mỗi lần về quê là phải đi Huế. Bởi; Huế là trầm tích trong tôi, là hoài niệm nơi đã cất giữ những kỷ niệm khó quên của thời mới lớn (ở 9 tuổi) và cái thời vào đời. Huế trở nên chứng nhân cho tình yêu và lịch sử. Những nhân tố đó đưa tôi tìm về Huế như một ‘awakening’ để được sống lại giữa thực và hư. Huế phải có đặc chất đó như nắng mưa mà ai cũng ‘kêu trời’. Không có cái thứ đó không ai gọi là Huế. Huế có cái tàng tích cố cựu xâm chiếm vào con người Huế. Do đó tôi hiện hữu; một hiện hữu dấn thân và thấm thấu vào cái hồn Thần Kinh trong máu lệ tôi. Dân Huế hầu như ai cũng ưa lý sự, cứng đầu, chướng kì và một tự ái lớn lao hay giận. Những ai chưa biết Huế cho Huế khó tính. Đúng! cái này chịu ảnh hưởng ít nhiều nơi mấy ‘mệ’, bởi mấy mệ có cái tự ti mặc cảm trong con người mấy mệ. Nói nôm na là ‘thủ’; đó là ngón nghề thâm hậu mà ít ai tìm thấy. Tôi chơi thân với mấy mệ trong làng, trong xóm cũng như trong trường; đi sâu vào lòng đất địch mới thấy mấy mệ thủ vô hậu. Cái thủ khinh mạng. Tợ như những người kỳ thị chủng tộc; ngoài ngó rứa mà trong không phải rứa. Huế đặc thù là đó: ăn, uống, nói, cười đều có cách riêng của nó. Huế không giống ai và không ai giống Huế. Đó là lý do về để tìm thấy cái đã mất giữa thời đại hỗ mang, thuồng luồng. Có chăng là có trong trí tưởng mà thôi. Nó hoang tàn, bảng lảng bóng chiều mây. Dù là thành quách có tu sửa để thu hút khách ngoại chớ khách nội không mấy hồ hởi với cái gọi là ‘đổi mới tư duy’ theo khuynh hướng kinh tế thị trường; lạc hướng đi.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Học và hành ở Huế; có vô số bạn bè, nhưng; tìm cho ra một ‘thằng bạn’ chân tình là điều khó. May mắn thay trong số bạn học cũ, chỉ còn một hai thằng tại thế, còn một số khác tằng tiu tỉ tiện thì hầu như để gió cuốn đi hoặc để trôi theo với giòng đời. Bởi; không tìm thấy cái chân tâm của nó. Vì vậy; phải nhận thức cái thực, cái giả của Huế. Người ta định nghĩa Huế thâm trầm là phải, vì; trong Huế chứa cái thâm trầm ‘đểu cáng’ khó tìm thấy. Răng rứa? Nó núp sau lưng Thành Nội Huế mà ít ai bắt gặp và nhận ra. Nó lắc léo như câu hò mái đẩy hay nam ai, nam bằng; là rứa đó!.
Thành ra; về Huế chỉ có thi sĩ Cung Thiêm Phan Như Chạy là chân tình trước sau như một.Thuở học cùng lớp; thi sĩ thường dùng tiếng Đan Mạch dành cho tôi. Nhưng nghĩ lại tiếng đ.m. của nhà thơ nó kết cấu trong một từ ngữ thân tương và chân thật. Lần này vợ chồng thi sĩ mời chúng tôi ăn cơm tối tại nhà riêng (kiểu cách này ít có ở nhà thơ họ Phan).Thừa nhận mụ vợ thi sĩ khéo tay dọn bàn, nhưng họ không quên rượu dành cho tôi. Nhớ đời! Trong lúc hào hứng thi sĩ hứa sẽ đưa chúng tôi đến thăm một người bạn cũng biết nhâm nhi rượu. Tôi sướng quá và chờ đợi để gặp người đối ẩm đồng điệu, đồng sàn. Chúng tôi cởi xe đến chùa Liên Trì trên dốc núi Ngự. Tưởng bạn tôi đưa đi bái Phật đầu năm. Không! ngôi biệt thự nằm cạnh chùa. Tôi cho đây là sự sắp xếp kỳ diệu (nhà gần chùa mau thành Phật, nhà gần chợ mau thành kẻ chợ). Thiệt ra; đây là câu nói văn chương bình dân nói theo kiểu nhân gian chơi thôi. Nhưng; chủ nhân ngôi biệt thự đó đã thoát tục từ lâu để đi vào chân-không. Dẫu tiếng chuông sáng trưa chiều tối có gióng lên chăng cũng không phải để thức tĩnh; nó không còn tác động giữa chốn này đối với một nhà nữ mô phạm. Tiếng chuông là một thúc bách sự dấn thân của kẻ tìm đạo lý nhân tâm để được về sống với đời thường. Một đời thường ở cõi Sát-na (Ksanikam) là cõi thời gian vô tận số, nghĩa là ra khỏi cái hạn hữu bất biến để đi vào hư không. Tôi cho sự chọn lựa cuộc sống như thế là chân tình để xa trần tục, xa lớp bụi thế gian chớ không phải xa trần tục để đi vào cõi tịnh; mà là phép tu chứng để đạt chánh quả. Đó là biện minh cho lý giải Phật tính giữa Tu và Tục khác nhau vô bờ bến. Biết đâu cái lẽ thường đó lại là ‘đáo bỉ ngạn’… Mở cửa đón chúng tôi với nụ cười thanh tao hòa nhã. Tôi ôm lấy chủ nhân theo phép tây, bởi chủ nhân vốn có máu tây. -Bọn mình thân nhau gọi bà, gọi cô thấy không chân tình. Chị Thanh Ngọc nói. Không ngờ buổi sơ ngộ mà vui đến thế; chị thiết đãi một bửa ăn đậm chất quê hương pha một chút kiểu cách Tây phương: vịt hầm rượu vang, món ngầu pín dầm chua ngọt, dưa món, tét, chưng còn lại hôm tết. Ôi chao! ngon đáo để. Giữa lúc đó tôi khui chai Lamb/Rum đen có vị hương. Chị Thanh Ngọc đón ly rượu tôi mời một cách trân qúy. Bữa nay mới gặp tay đối ẩm thứ thiệt. Rượu thấm vào người nghe thơm (phải đái ra rượu mới hết buồn / dĩ bĩnh đồng tiêu vạn cổ sầu). Đó là phương thức tiêu sầu và quên, một đặc hiệu và phổ biến nhất trên trần gian này. Chị Ngọc và tôi uống hết chai. Trong cơn mơ màng tôi nhớ Tuyết Thu em chị Ngọc, người mà tôi thầm yêu chớ không dám dòm. Chuyện ăn uống đầu năm ở nhà người bạn văn là một hạnh phúc tôi. Chị Thanh Ngọc lớn tuổi nhưng rất hào phóng khó tìm thấy nơi nhà giáo có một nếp sống nhân sinh như thế. Chị Ngọc là dân Huế thứ gộc cho nên con người chị đã nói hết về Huế. Đón nhận một người bạn văn cao qúy giữa lúc này như một hòa âm điền dã đối với chúng tôi. Chị đưa chúng tôi ra ngõ về mà lòng còn lưu luyến bên nhau. Chưa bao giờ gặp mà tợ như đã thân quen tự bao giờ. Mượn câu thơ của Nguyễn Du để gởi tâm sự vào đây: ‘Sinh tiền bất tận tôn trung tửu / Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi’.
(Lúc sống không uống cạn rượu trong chén để sau khi chết thì ai là người đem rượu tưới lên mộ mình).
Rượu là tiếng nói của con người đã từng chứng kiến bao nhiêu đổ vỡ ở cõi đời và ở cõi lòng là nỗi đau trong người tôi cũng như trong người khác.Nhưng giờ đây; bạn văn và tôi là cơ duyên được sống lại trong một hiện hữu tồn lưu nhân thế giữa đời này.Tôi chỉ nói lời biết ơn nồng nhiệt của kẻ tha phương ./.

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc. Cuối Mar 2017)

Năm Tý nói chuyện Chuột

Nguyễn Ngọc Chính

ty chuot 1

Chuột đứng đầu danh sách 12 con giáp. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên khi sinh vật vừa nhỏ bé lại vừa gớm ghiếc này lại “làm xếp” những con to xác như cọp và trâu, lại còn đứng trên cả mèo, kẻ thù không đội trời chung lúc nào cũng săn lùng… “bè lũ ăn hại”!

Cảnh “mèo rình chuột” hầu như diễn ra hàng ngày nhưng không hiểu sao người ta lại hay dùng thành ngữ “chuyện mèo chuột” để diễn tả một cuộc tình thơ mộng của đôi trai tài, gái sắc! Có ẩn ý gì chăng?

Hình như trong lối nói đó có hàm ý mèo là “chàng” và chuột là “nàng”. Ngược lại, biết đâu đó, nàng chính là con mèo lanh lợi còn chuột lại là chàng vốn khù khờ nên bị… ăn thịt! Xem ra thì một bên tám lạng bên kia cũng vừa nửa cân, không biết “mèo nào cắn mủi nào”!

Có điều chắc chắn là chuột sợ mèo…. Nỗi kinh hoàng di truyền đó lâu nay vẫn ám ảnh chuột nên người đời tự nhiên thấy “thương hại” cho số phận hẩm hiu của loài chuột. Dân gian thường bênh vực kẻ yếu thế nên mới có câu chuyện đặt lời ca dao thóa mạ mèo để… binh chuột:

“Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”

Trong kho tàng nghệ thuật hội họa dân gian, chuột cũng hiện diện qua tranh Đông Hồ, mô tả một đám cưới toàn là chuột. Từ cô dâu, chú rể cho đến đoàn tùy tùng đều là chuột nhưng lại có thêm một chú mèo, “sát tinh của loài chuột”, hiện diện trong đám cưới. Thế cho nên, người ta mới hiểu một quy luật tất yếu của cuộc sống: mèo và chuột lúc nào cũng phải đi đôi với nhau như bóng với hình!

Họ hàng nhà chuột đông lắm. Nào là chuột nhắt, chuột chù, chuột cống, chuột đồng… đó là chưa kể đến… “chuột hai chân”! Giống chuột này tuy chỉ có hai chân nhưng lại “ăn tàn, phá hại”, “ăn không chừa một thứ gì”! Những “bẫy chuột”, “bả chuột”, “keo dính chuột”… hầu như không còn tác dụng, có lẽ phải nhờ đến luật pháp trừng trị mới may ra mới tận diệt được chúng.

Các bà, các cô vốn sợ chuột nhưng các ông hình như rất “kết” món… thịt chuột đồng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và kể cả ở nước láng giềng Campuchia có món thịt chuột nướng lò. Những người “khoái” thì ca ngợi thịt chuột đồng “giàu chất dinh dưỡng”, tốt cho sức khỏe bởi chúng không ăn “cơm thừa canh cặn” mà chỉ ăn toàn lúa ngoài đồng!

Ở Xứ Miệt Dưới Úc Châu lại có một giống chuột mà người Việt gọi là “chuột túi”. Phải nói là thiên nhiên ưu đãi kangaroo với một cái túi trước bụng để nuôi con còn chưa mở mắt. Cũng từ “cái nôi ấm áp” này, chú kangaroo thoải mái “bú tí” mẹ vào bất cứ lúc nào trong khi mẹ còn bận “nhảy” đi kiếm ăn bằng hai chân sau.

Nếu ở Úc kangaroo được thiên nhiên ưu đãi thì ở Ấn Độ chuột cũng được người ta “chiếu cố tận tình”. Theo tạp chí National Geographic, ngôi đền của đạo Hindu có tên là Karni Mata ở Rajasthan còn được gọi là “Đền Chuột” (Rat Temple). Nơi đây có khoảng 25.000 con chuột sinh sống và được mọi người “tôn kính”. Đó là “thiên đường” của chuột.

“Dân số chuột” ở đền Karni Mata ngày càng phát triển mạnh. Chúng sinh sống một cách “tự nhiên như ở nhà” mà lại còn được… tôn kính vì thờ phượng chuột vốn là một trong những truyền thống của đạo Hindu từ thế kỷ thứ 15.

ty chuot 2

Karni Mata là tên của một vị nữ thần, bà ước muốn có một ngôi nhà cho loài chuột mà kiếp trước là “những người hành nghề kể chuyện” (storytellers). Vào năm 1900, một ngôi đền được xây dựng để vinh danh thần Karni Mata và… những con chuột. Một đội ngũ nhân viên hơn 500 người có nhiệm vụ hàng ngày nuôi chuột bằng hạt ngũ cốc và sữa, đồng thời họ cũng có trách nhiệm làm vệ sinh trong đền. Ôi! Kiếp sau xin làm chuột ở Ấn Độ để được… “cơm bưng, nước rót”!

Phương Tây cũng “khoái” chuột qua nhân vật của Walt Disney (1901-1966). Ông là “cha đẻ” của chuột Mickey nhí nhảnh, duyên dáng đã chiếm trọn cảm tình của mọi người. Đúng ra thì ngành công nghiệp giải trí của Disney chỉ khởi đầu vỏn vẹn có 2 con chuột và 2 con vịt. Ấy thế mà doanh thu hàng năm lên đến hơn 2,2 tỷ đô la!

Mickey chính thức ra “chào đời” năm 1928 qua phim hoạt họa “Mickey Mouse”. Trước đó, nhiều người sợ chuột nhưng chuột Mickey đã chiếm được cảm tình, từ trẻ em cho đến người lớn đều ưa thích. Xét ra, cái công “vinh danh loài chuột” của Mickey là không nhỏ. Ngôi sao chuột Mickey cho đến ngày nay vẫn sáng chói trên Đại lộ Danh vọng Hollywood bên cạnh tên tuổi của những tài tử nổi tiếng khác.

ty chuot 3

Nói đến Mickey ta phải nhắc đến cô bạn gái của chàng là Minnie. Nàng có một nhan sắc “chim sa, cá lặn” với cái nơ trên tóc và bộ váy màu đỏ điểm những chấm trắng. Nhìn cặp “nhân tình” quấn quýt bên nhau ai dám bảo là… đời chuột nhiều gian nan, khổ cực?

Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại và chuột cũng đi vào lịch sử của máy tính với “computer mouse”, tiếng Việt gọi là “con chuột máy tính”. Đây chính là “thiết bị ngoại vi” giúp người sử dụng có thể theo dõi sự di chuyển trên màn hình. Douglas Engelbart phát minh ra nó năm 1963, ông gọi là “con chuột” chỉ vì cái đuôi có dây nối với máy vi tính giống như… con chuột. Ngày nay còn có “chuột không dây” nhưng vẫn bị gọi “chết tên” là… con chuột!

Để chấm dứt bài viết “Năm Tý nói chuyện Chuột” chúng tôi mời các bạn thưởng thức một bức tranh vui kể lại cái thời mới có máy vi tính…. Chuyện kể cậu con trai gửi cho bố mẹ một cái máy vi tính, dặn rằng phải có “con chuột” mới sử dụng được. Khốn nỗi lại quên gửi “con chuột” đi kèm. Thế là ông bố tìm cách bẫy được một con chuột và bà mẹ điện thoại cho con: “Bố mày đã bắt được một con chuột rồi nhưng không biết dùng như thế nào?”

ty chuot 5

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, xin chúc mọi người và mọi nhà sung túc, đầy đủ tựa như… “chuột sa hũ nếp”!

ty chuot 4

Nguyễn Ngọc Chính
.

BỮA RƯỢU

PHẠM NGA

RUOU

BỮA RƯỢU THÁNG CHẠP CỦA CÁC THẦY GIÁO

1.

Hôm nay đã mùng 10 tháng chạp, cái chợ nhỏ bên cạnh nhà thờ Xóm Thuốc Gò Vấp rộn rịp người đi mua sắm đồ Tết. Chờ bà xả vào chợ mua mấy bộ quần áo làm quà Tết cho cháu nội, Hòa ngồi ở một quán cà phê gần cổng nhà thờ. Anh chạnh nhớ  đâu khoảng hơn 20 năm trước, có thời gian mình đã thường ghé nhà hai người bạn thân ngụ trong giáo xứ này.

Hòa có nhóm bạn 4 – 5 người, cùng dạy học ở chế độ cũ, nay cùng ngụ ở vùng Gò Vấp, gặp nhau vẫn thường gọi nhau “thầy” dù chế độ mới không cho dạy học nữa. Bạn trong nhóm đều rơi vào khó khăn, thiếu thốn ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 75. Có điều là, dù cùng xuất thân là nhà giáo, kiểu truân chuyên, khó khăn của riêng mỗi thầy lại đều mang đầy cá tính, không ai giống ai.

Mở đầu là thầy Ngạn. Là chủng sinh nhà dòng giỏi tiếng Pháp, Ngạn tu xuất năm 17 tuổi, chỉ mới có tú tài I đã lập tức được một trường tư thục ở Đà Lạt mời dạy môn Pháp văn. Sau tháng 4-75, Ngạn đi học tập cải tạo với tư cách hiệu trưởng một trường tiểu học công lập và “được” nghỉ dạy luôn. Trôi nổi mãi qua mấy huyện nông thôn Hốc Môn, Bình Chánh…, cuối cùng anh về được vùng ven đô là giáo xứ Xóm Thuốc thuộc quận Gò Vấp. Cuộc sống bắt đầu dễ thở một chút khi chồng đạp xích lô, vợ bán quần áo trẻ em trong cái chợ nhỏ cạnh nhà thờ.

Một sinh nhật của Ngạn nhằm tháng chạp âm lịch, anh chỉ mời nhóm bạn nhà giáo cũ. Thời ấy, không được dạy học nữa, đám Ngạn, Hòa… mỗi người làm một nghề, không dính gì tới công nhân viên chức nhà nước, như: đạp xích lô, dịch sách, chạy hàng tạp hóa, thư ký văn phòng hợp tác xã, coi số tử vi…, tất nhiên thu nhâp đều thấp mà sống qua ngày. Do đó, sinh nhật phu xích lô Ngạn chỉ có vài lít rượu thuốc, một con gà vừa nấu cháo vừa làm gỏi và vài gói đậu phộng rang. Về “vật chất” chủ nhà bình thãn dọn ra chỉ như thế, về “tinh thần” cũng không kém phần đạm bạc một khi khách đến cũng bình thãn chìa ra quà sinh nhật chỉ là cuốn sách cũ mèm hay tập thơ vàng ố. Cũng không có gì bất tiện khi cả đám trải giấy báo ngồi dưới đất rồi ung dung nhấm rượu theo cách riêng…

2.

Cuộc đổi đời 30 tháng 4 đã khiến các thầy giáo ít nhiều đều từ chán đời đến bất đắc chí, từ bi quan đến buông trôi, nên khác với thời trước 30 tháng 4, hể gặp nhau thì thay vì chỉ uống cà phê, nay có thêm uống rượu. Nghĩa là trong cao trào người dân ở phía Nam nhậu rộ lên, uống rượu nhiều hơn trước thời “được giải phóng”, lần hồi các cựu giáo chức vốn dĩ mực thước đã thỉnh thoảng gầy độ nhậu, y như đàn ông ở các ngành nghề khác.  Có điều là, sau 30 tháng 4, do hầu hết người dân nghèo mạt đi, còn hàng hóa, lương thực – trong đó có các loại bia, rượu tây – thì khan hiếm, mắc mỏ nên dân nhậu – trong đó có các thầy giáo –  chuyển qua rượu đế, rượu thuốc rẻ hơn nhiều.

Giống những tín đồ nhút nhát mới vào đạo, các thầy giáo e ngại bị hối, bị phạt ở kiểu uống ‘xây tua’ thông thường nên khi nhậu với nhau, cách uống được sửa lại cho hiền lành hơn, cũng như sẽ miễn sát phạt nhau. Đó là không có ly ‘xây tua’ mà có chai rươu nhỏ ‘xây tua’, chai đến ai thì người đó tự rót tới-đâu-cũng-được vào ly riêng của mình, còn chưa uống cạn ly của mình thì cứ cho chai ‘xây tua’ qua người bên cạnh. Dù kiểu uống này đã từng bị vài ông, vài anh không phải nhà giáo tình cờ tham gia phê bình rằng không vui bởi không hào hứng, sôi động, nhưng đám Ngạn, Hòa… vẫn không thay đổi kiểu uống, bởi chỉ với kiểu uống ‘xây tua’ mềm mỏng, ‘không sát phạt’ ấy họ mới thấy thoải mái, dễ chịu. Phong cách nhà giáo rơi rớt của họ là dù có đang nghèo khó, thiếu thốn cũng vẫn có cái chất từ tốn, nho nhã trong cư xử, ăn uống…

Hòa nhớ khi đã ngà ngà, Ngạn xướng một câu:

Chiều ba mươi, thầy giáo tháo giầy ra chợ bán,

Một thầy tên Thiện, cũng ngụ trong giáo xứ Xóm Thuốc, đã đối lại khá chỉnh:

Sáng mùng một, giáo chức ‘dứt’ cháo đón xuân sang.

Men rượu thuốc càng lúc càng khiến cho mỗi câu chuyện, mỗi đề tài trao đổi giũa bạn bè trở nên thú vị, hào hứng hơn. Độ nhậu hiền lành của các thầy giáo kết thúc ở liều lượng vừa phải khi vị khách ít nói nhất lên tiếng nhắc nên dừng cái chai ‘xây tua’ để chủ nhà còn dọn dẹp, nghỉ ngơi vì sớm mai chị còn phải dọn hàng ra chợ, anh còn phải đẩy xe ra kiếm khách…

3.

Sau bao nhiêu khó khăn, run rủi thế nào đó mà cuộc sống của Ngạn thầy-giáo-đạp-xích-lô một thời nay lại rất ổn, đó là nhờ có 3 con gái thì vợ chồng đứa đầu đang làm chủ một doanh nghiệp lớn về ngành IT và hai đứa sau đều yên bề gia thất khá giã ở châu Âu. Bạn bè cũ đã tròn mắt bất ngờ khi nghe Ngạn từng đi du lich Mỹ và vài nước châu Âu, còn chơi ngông sắm xe mô tô phân khối lớn…

Cũng run rủi thế nào đó, những người khác của nhóm thầy-giáo-tháo-giày hơn 20 năm trước nhìn chung cũng thoát nghèo, cũng khá lên. Dẫn đầu chính là thầy Thiện  – người duy nhất sau 30 tháng 4 được cho tiếp tục dạy môn Văn ở một trường cấp 3 trong quận. Vốn mộ đạo, nhút nhát và không đẹp trai, bạn bè đã làm cò tình giới thiệu cho Thiện 1-2 cô cũng đều là con chiên ngoan đạo, hiền hậu nết na, nhưng không vụ nào thành đôi. Run rủi đến năm 58 tuổi, Thiện gặp gỡ trong giáo họ một cô đã 45 tuổi, y tá trong BV Nhi đồng 2, nên duyên trong xác định rằng lấy nhau chỉ để có bạn đời chăm sóc nhau. Nhờ bên gia đình cô y tá rất giàu, anh em ở cả nước ngoài nên cặp ‘tình già’ không có con này đã định cư an nhàn ở đất Mỹ…

Về các thầy khác trong nhóm, ngẫu nhiên thú vị là họ thoát nghèo, khá lên đa phần là nhờ con cái. Như thầy Hạnh,  khi cuộc sống bắt đầu tạm ổn bằng chấm số tử vi thì khổ thảm vì vợ mất bởi ung thư cùng con trai mất bởi tai nạn xe cô, nay anh già ngoài 70 vẫn coi như “độc thân vui tính, tiền bạc rủng rỉnh” bởi dòng tu của cô chị – con gái lớn của Hạnh – đã giới thiệu một ông người Pháp giàu có về cưới cô em, ông rể đã cất luôn cho cha vợ một căn phố lầu 3 tầng… Đến thầy San, sau 30 tháng 4 từng ngồi sửa giày dép ngoài đường, bán cà phê cóc, dịch tài liệu giảng dạy cho nhà dòng…, cặm cụi phụ cho con gái du học Pháp với học bổng bán phần, tốt nghiệp thạc sĩ trở về làm việc lương cao, lấy chồng không thể không giàu… Đến thầy Hòa, người trẻ nhất, cũng mơ mộng, lãng đãng nhất trong bọn, bấy lâu nay việc ngăn phòng trong nhà cho sinh viên thuê lấy thu nhập cũng tạm ổn trong khi chờ  đi định cư ở Úc do con bảo lãnh…

4.

Nay lại tháng chạp, lại sinh nhật thầy Ngạn. Từ căn nhà nhỏ xíu trong giáo xứ, Ngạn đã về ở một căn phố lầu ‘3 tấm’ thật khang trang trong hẻm lớn… Chủ nhà gõ ly, tuyên bố khai mạc đại tiệc ê hề cao lương mỹ vị: “ Các thầy à, thầy Thiện có gởi về 200 đô, dặn là phụ vô cho tôi làm vừa sinh nhật vừa tất niên cả nhóm bữa nay, và… Đặc biệt đáng cho điểm 10 là dù bao năm qua rồi, thầy Thiện đã nhắc cái ước-gì-có-đủ-bốn-màu của thầy Hòa ngày trước. Và cái hiện thực đủ-bốn-màu đã có hôm nay các ông ạ!”.

Trong quãng hơn 20 năm về trước, trong một độ nhậu ở nhà cũ của Ngạn, tất nhiên là rượu thuốc nhà nghèo, nhân khi tán chuyện “hồi trước…”, có người nhắc đến những loại hàng Mỹ tốt, ngon có tiếng nhưng giá hạ bởi được bán trong PX quân đội Mỹ mà đám thầy giáo có thể nhờ mấy người bạn Mỹ mua dùm, như: quẹt máy Zippo, kiếng mát Rayban, các loại rượu Blach and White, Johnnie Walker …, Hòa đã xuýt xoa: “Ước gì giờ này mà tụi mình có chai Johnnie Walker nhãn đỏ, hay ngon hơn, chai nhãn đen! Thôi, ước gì có đủ luôn bốn chai bốn nhãn đỏ, đen, xanh, vàng đi, mới là nhất trên đời!”

Kìa, ở đầu bàn tiệc thầy Ngạn-hay-chơi-ngông đã cho khui cùng lúc các chai whisky Johnnie Walker đủ bốn mùi/hương vị thông dụng tức bốn nhãn (label) của loại whisky hay được gọi tếu là “Ông Mỹ Đi Bộ” này, là: đỏ (red), đen (black), xanh (blue) và vàng kim (gold). Tại bàn còn để rải rác nhưng lon soda ướp lạnh cùng những cái chung nhỏ, để các thầy ung dung tự tại, tha hồ nhấm rượu theo ý riêng, hoặc là uống whisky pha soda (consomation), hoặc uống nguyên chất whisky (sec) từng chung nhỏ cho “thơm râu” tùy ý; còn kiểu cách thì ‘xây tua’ mềm mỏng, không sát phạt lâu nay của riêng họ,

5.

Thật chậm rãi với xen kẽ các quãng dừng nghỉ, Hòa lần lượt thưởng thức từng nhãn Johnnie Walker đỏ, đen và xanh bằng từng cặp ly, một chung nhỏ nguyên chất rồi một ly pha soda. Phải nói là đã thấm rượu, đã bắt đầu say nên Hòa ra dấu cho cậu phục vụ bàn khoan rót chai Johnnie Walker nhãn vàng kim vào chung nhỏ của anh. Hòa ngồi im ắng, nhìn bạn bè quanh mình, thoáng khép hờ đôi mắt.

Từ khi bước vào tuổi già, đối diện thời khắc năm tàn tháng tận, tâm-trạng-tháng-chạp của Hòa trở nên một kiểu trầm cảm ray rức, phiền muộn mơ hồ.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, cũng vào các ngày cuối tháng chạp,  khi ngồi suy nghĩ tính sổ năm cũ, nhân tiện cho cả quãng dài vài chục năm quá khứ, anh nhận ra trong lòng mình nhạt dần cái cảm giác tiếc nuối, thất vọng về các dự phóng lớn lao từ tuổi thanh xuân và thay vào đó nỗi dửng dưng, an phận.

Như hôm kia, tình cờ ngồi cà phê một mình cạnh nhà thờ Xóm Thuốc mà nhớ  quãng thời gian hơn 20 năm về trước hay ghé nhà Ngạn và Thiện, phải nói cảm nhận của Hòa  tràn đầy thương cảm đối với quá khứ, dù khách quan mà nói, cuộc sống của anh cùng nhóm bạn cựu nhà giáo đã sáng sủa hơn thời 20 – 30 năm trước khá nhiều khi thầy nào thầy nấy tuy không phất lên giàu sụ nhưng cũng tạm đủ sung túc nhờ đám con cái thành đạt, dễ dàng  nuôi lại bố mẹ già. Rồi một lát sau, hoài niệm bi quan ấy lại chuyển sang dửng dưng, hanh khô cảm xúc.

Và hôm nay, Ngạn cùng Thiện đã bỏ ra vô số tiền tổ chức họp mặt tất niên nhóm bằng bữa tiệc ê hề các món đặc sản cùng rất tốn hao, chơi ngông là món uống whisky Johnnie Walker đủ bốn màu; chủ tiệc còn nhấn mạnh đây là thực hiên một mơ ước bâng quơ của Hòa đã thố lộ vào cái thời cả đám bạn còn rất khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà Hòa, từ cảm giác ban đầu hồ hỡi hòa mình vào không khí náo nhiệt chung với mọi người tại bàn tiệc, dần hồi anh như mỏi mê gục ngã vào nhưng hoài niệm đầy ray rức. Rượu ngon, rượu mơ ước nay đã có ê hề đấy nhưng anh uống một cách ung dung chừng mực để chỉ say nhẹ nhàng, nhưng rốt cuộc, càng uống trong lòng Hòa càng phiền muộn không đâu…

Có lẽ trong bất cứ hoàn cảnh đã ‘đổi đời’ cao sang, phú quý nào, người ta – nhất là một nhà giáo –  luôn thầm lặng có cảm-xúc-nợ-nần đối với quá khứ nghèo, buồn của mình?

PHẠM NGA

(cận Tết Canh Tý 2020)

Kẻ lai vãng cửa chùa

Gallery

This gallery contains 1 photo.

Phạm Nga

“Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa
cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét
và đề nghị như vậy.
Ngày xưa, bố tôi theo Tây học, từ Bắc vào Nam làm báo, ra cả
báo Pháp và dịch sách, tánh khí nghệ sĩ, phóng dật, khiến cho
căn nhà nhỏ của gia đình ở khu Đa Kao thời đó thỉnh thoảng lại
chộn rộn cái không khí văn chương chữ nghĩa. Có lần, lấy cớ
khui một chai rượu chát rất xưa, bố tôi mời vài người bạn thân
đến nhà chơi. Cần nói thêm là trong số văn hữu của bố tôi thời
đó, tôi khoái một bác cùng dân Bắc kỳ, để chút râu kiểu Hitler
dưới mũi, thường phong nhã với bộ cánh veston, foulard với ống
píp, đó là nhà thơ/nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn. Núp phía sau
một bức bình phong, tôi lén theo dõi người lớn nói đủ thứ
chuyện trên đời. Chợt tôi nghe bác Tchya cười, vỗ vai bố tôi, gật
gù bảo: “…Vậy là toa cũng rất libéral về vấn đề tôn giáo!”.
Phải nói là, trước khi tôi đủ lớn khôn để tìm hiểu cho thật rõ các
tính từ “libéral”, “libertin”… có nghĩa là gì thì bố tôi đã có quan
niệm rất phóng khoáng về vấn đề tín ngưỡng, nghĩa là vợ con
trong nhà ai muốn theo đạo nào cũng được. Bố tôi không hề
bày tỏ một ý kiến, nhận xét nào về chuyện mẹ tôi sùng đạo
Phật, qui y tại chùa, có pháp danh cũng như bày khuôn thờ
Phật Bà Quan Âm phía trên bàn thờ ông bà, hay chuyện em gái
tôi được mấy xơ trường Thiên Phước ở Tân Định dẫn dắt vô đạo
Thiên Chúa khi em học tiểu học rồi trung học chương trình Pháp Tiếp tục đọc

TT Trump Và Đức Tin

trump-melania-swearing-in

Trước thời gian bầu cử TT năm 2016, TTTT cố gắng bôi xấu hình ảnh của UCV Cộng Hoà Trump bằng cách thổi phồng những chuyện riêng tư về đàn bà của ông. Chẳng hạn như chuyện ông khoe đã b.. l… phụ nữ (grab them by pussies  – xin lỗi quý bà )-  với bạn bè trên chuyến xe bus mà không ngờ bị ghi âm lại . Chuyện bù khú của mấy thằng đàn ông riêng tư với nhau trong phòng kín  (đa số toàn là chuyện nổ cho ra vẻ mình dân chơi thứ thiệt là chuyện rất thuờng tình của mấy cha ) trở thành thời sự quốc tế cho đám phá hoại bàn ra tán vào đến bây giờ.

To tiếng nhất phải kể đến bà vợ của Obama khi đăng đàn diễn thuyết khiến không ít phái nữ từ sáu tới sáu mươi sáu tuổi vội vã chạy về phía Hillary , tránh càng xa Trump càng tốt vì …sợ bị bốc hốt!!!

Cuối cùng những chuyện bêu riếu ông TT Mỹ ngày càng rõ ra là chuyện tào lao . Nhiều người trước đây cứ mong cho Hillary làm chủ WH bây giờ thì  tỉnh mộng và hú vía , mừng ông Trump đắc cử chứ không phải bà vợ ông Bill.

(Nhiều người cũng hy vọng những xấu xa tội lỗi giới chóp bu thời Obama sớm được điều tra, lôi ra ánh sáng để tống cả bọn vào nhà kho cho xứng tội từ sau vụ benghazi tới  cái chết của Epstein và trước đó là cuộc tự tử của Bourdain)

*********************************************

Vừa đặt đít xuống ghế ông Trump đã cố gắng thực thi cho bằng được những lời hứa hẹn đối với cử tri. Thành tích của ông bây giờ không cần đăng báo nữa mà nó lan truyền nhanh chóng trên từng cửa miệng người Mỹ và cả thế giới. Mối lo lắng sợ hãi ông sẽ phóng hỏa tiễn nguyên tử gây ra chiến tranh thế giới lần thứ ba vì nổi nóng, vấn đề kinh tế sụp đổ v. .v.. nay thành tào lao thiên đế. Nếu không bị cái đám phá hoại cản trở để ông Trump rảnh tay hành động và hoàn tất thì nước Mỹ bây giờ trở thành thiên đàng trên mặt đất  !!!

Chuyện kế tiếp khiến dân Mỹ (bất kể da màu gì – trắng đen vàng đỏ nâu  – miễn là real American)  không hài lòng là chuyện phải đứng thứ hai sau bất cứ quốc gia nào khác đặc biệt  Tàu . Bây giờ người Mỹ nhận ra rằng duy chỉ có ông Trump là TT duy nhất  “bóp cổ“ Tàu phải xấc bấc xang bang chấp nhận lép vế. Những thằng  con nít láu cá nịnh  bợ  ton hót như CHXHCNVN cũng bị ông điểm mặt chỉ tên, không biết sẽ chịu trừng phạt lúc nào.

Điều này có hai cái lợi : thứ nhất Tàu bắt buộc phải gánh những áp lực của Mỹ để tham gia công bằng hơn các luật lệ về thương mại, kinh tế, tài chánh mà mỗi quốc gia trên thế giới đều đang hành xử . Thứ hai : bởi sự giám sát của Hoa Kỳ, Tàu sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội vươn lên cầm đầu thế giới bằng vũ lực. Ai cũng biết nếu Tàu chiếm được vị trí nầy thay thế Mỹ mọi người sẽ phải chịu đau khổ gấp mấy lần hơn  chế độ  Hitler . Hãy cứ hỏi dân Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng họ sẽ nói cho biết tường tận.  

Không chỉ China, quốc tế nay cũng vào khuôn phép, làm ăn với Mỹ theo kiểu “tương giao tương kính“ chứ không dám lợi dụng Mỹ như các đời TT trước.  (Tôi là người VN nhưng  rất “nực“ chuyện của anh Tây De Gaule bài Mỹ sau WW2 bất kể bao nhiêu máu của thanh niên Mỹ đổ ra để GIẢI PHÓNG Pháp khỏi Phát Xít )

**********************************************

Nhiều cử tri  -DC hoặc lừng khừng –  đã từng nghi ngờ khả năng làm việc , khả năng chính trị của ông Trump nay nhìn thấy kết quả hiện hữu về kinh tế tài chánh chính trị cùng lúc với sự tha hóa thù vặt chỉ biết quyền lợi đảng, cá nhân của các UCV DC sẽ dồn phiếu để ông Trump chắn chắn thắng cử với tỷ lệ cao vào năm 2020 . Mới giữa nhiệm kỳ một ông Trump đã nhận hổ trợ từ nhiều cựu cử tri Dân Chủ thoái đảng. Chẳng hạn như thủ lãnh phong trào # WalkAway Brandon Straka, chẳng hạn như các đảng viên Dân Chủ trước vẫn còn sợ hãi, lo lắng về tính cách ăn nói văng mạng của ông Trump nay nhận ra đằng sau các tuyên bố  – xem ra chẳng theo một nguyên tắc thể thức gì hết  – là cả một chiến thuật, chiến lược khôn ngoan. (So sánh với anh tỷ phú Tom Stayer vừa ngu vừa khùng, khùng vì cứ kêu gọi impeach Trump mà không đưa ra lý do, ngu vì ra tranh cử TT mà mở miệng xin mỗi  người một đồng vào quỹ tranh cử. CÒN TIỀN TỶ CỦA CHA NỘI ĐÂU KHÔNG LẤY RA XÀI ?  , đảng viên DC cỡ tay này mà cũng ra tranh cử chức TT thì thật là hết nước nói).

**********************************************

Do sự dạy dỗ từ gia đình gốc người Đức chuyện ông Trump mộ đạo không có gì ngạc nhiên.  Ông thường dẫn đầu những cuộc cầu nguyện ở WH,  khôi phục lại lời chào Merry Christmas ngày lễ Giáng Sinh ( biến mất trong 8 năm thời Obama),  công khai cảm ơn Thiên Chúa về những ơn lành mà nước Mỹ và người Mỹ nhận được làm cho đám thiên tả (bọn phá hoại) rất khó chịu và xốn con mắt. Tuy nhiên với đại đa số người Mỹ ông là vị TT đầu tiên bày tỏ sự thần phục Thiên Chúa trong việc điều hành guồng máy quốc gia nhiều hơn hẳn các đời TT trước . Đa số dân Mỹ vốn hữu thần rất xem trọng điều này .

Tôi tin rằng không phải bỗng dưng ông Trump trở nên một TT nhiều đức tin như thế. Bản chất và con người của ông vốn luôn luôn chiến đấu và chiến thắng tạo thành một cơ ngơi như ngày nay bời không đặt mình, hoặc chịu thua hoặc nghe lời khuyên bảo tào lao của người khác. Hãy nhớ lời bà Melania cảnh giác “ Ông ấy sẽ trả đũa gấp mười lần những ai gieo oán thù với ông ấy “. Duy  ông chỉ chịu thua một người : đó là vị Đệ Nhất Phu Nhân của Hoa Kỳ, vợ ông !!

Tôi không biết tôn giáo  vợ chồng ông nhưng đoán rằng bà là người Công Giáo dựa vào quốc gia sinh ra bà và dựa vào cách tiếp đón rất trân trọng của bà với Giáo Hoàng Francis. Ông Trump mà ngợi khen, thần phục công khai Thiên Chúa trước mặt mọi người mọi nước phần lớn chính là nhờ vào bà vợ . Mặc dù bà Melania rất ít ồn ào thậm chí hầu như ở ẩn đằng sau cánh rèm tòa WH, nhưng ảnh hưởng của bà trên chồng là điều không thể chối cãi. Mới đây nhất bà xuất hiện trên truyền hình trước cuộc nói chuyện của chồng và bà đã hướng dẫn mọi người tham gia cuộc đọc kinh Lạy Cha trước khi giới thiệu chồng mình.  

Theo tôi vợ là túi khôn, là may mắn của chồng. Có nhiều bà chẳng cần phải lộ diện nhưng rõ ràng hành động cử chỉ từ chồng đều mang hơi hướng ảnh hưởng bởi vợ. Chẳng hạn như phu nhân của TT Thiệu, chẳng hạn như phu nhân của TT Trump. Riêng bà Michelle Obama thì tôi không có ý kiến vì bà ấy xuất hiện ồn ào và phát biểu nhiều câu kỳ quá!!  ( như bà tuyên bố hãnh diện là một người Mỹ chỉ sau khi chồng đắc cử TT . Vậy,  trước và sau khi chồng về hưu Mrs . M. Obama rất mắc cỡ nếu bị người khác coi mình là người Mỹ ?  )

Bà vợ ông Trump gây cảm hứng cho nhiều người. Bà công khai tuyên xưng đức tin trước mặt thiên hạ dù biết rằng đó sẽ là đầu đề cho bọn cánh tả ( phá hoại ) châm biếm.

Chồng bà cũng nhận ra sự mạnh mẽ về đức tin của vợ,   khâm phục và theo gót bà bất kể chuyện đám TTTT sẽ dè bĩu ra sao.

****************************************************** 

Trump khác người ở chỗ ông từng nuôi dạy con cái nên tránh xa những chuyện rượu chè trai gái hút xách bài bạc và … thành công !!!. Ông nêu tấm gương của bản thân, gia đình tới những thanh thiếu niên Mỹ giàu có trong một xã hội đầy dẫy tệ đoan . Ông chắc cũng là vị TT duy nhất trên thế giới không hút thuốc uống rượu.

Mặc dù rất chủ quan tin tưởng ông Trump sẽ thắng cữ năm 2020 nhưng tôi xin mọi người hãy cố gắng cầu nguyện cho ông và gia đình theo tín ngưỡng của mình . Riêng đối với giáo dân Công Giáo xin hãy nài van cùng Thiên Chúa và Mẹ Thiên Chúa chở che và ban phước lành cho gia đình ông. . Lý do là bọn phá hoại sẽ xử dụng tất cả mọi trò bẩn thỉu nhất để destroy ông và các thành viên trong gia đình . ( giả thuyết : Tập Cận Bình hay George Soros có thể đứng đằng sau đạo diễn mọi chuyện).

Tôi chưa bao giờ coi ông Trump là Tướng Nhà Trời được sai xuống để điều hành nước Mỹ, nhưng  TT như ông Trump không phải cứ bốn hay tám năm đều xuất hiện. Cả lịch sử nước Mỹ chỉ có vài người như George Washington hay Abraham Lincoln.

Nguyện xin Chúa Mẹ ban ơn và bảo vệ ông và gia đình cũng như bào vệ nước Mỹ trước sự tấn công của thù địch. 

nguoiviettudo

Cuộc Đời và Thời Gian

Gallery

This gallery contains 1 photo.

võ công liêm

            Là hiện tượng dung thông. Là tiếng kêu thức tỉnh của con người trước cuộc đời, là cái nhìn nội giới mà khi phóng tầm nhìn vào hiện tượng thì đó là bản thể con người. Nhưng nếu mọi thứ trong đời đều khác biệt thì ngay cái nhìn vẫn có cái chung, tuy nội dung khác nhau nhưng cái nhìn vẫn là một; đó là tương quan giữa người và vũ trụ. Sự hội ngộ khơi từ ý thức dù ý thức vô niệm nhưng là ý thức hiện hữu, một ý thức thúc đẩy đi từ vực thẳm tuyệt vọng để rồi bừng dậy bằng ý niệm ta thán để vượt thoát ra khỏi những gì bức xúc vốn đã tồn lại mà mỗi khi con người có ý thức và trách nhiệm làm người; đôi khi do từ cá thể hay do từ hoàn cảnh tạo nên. Từ cái chỗ bức xúc là một dự phóng để tâm hồn giải tỏa cuộc đời và thời gian là hai thứ tích lũy và dằn vặt cô đọng trong một tư duy phát tiết qua ngữ ngôn. Phát huy bằng lời ca tiếng hát như trao trút nỗi uất nghẹn, đặc điểm đáng kể phải nói đến là ca dao. Nó đi từ đồng ruộng đến thành thị, từ bình dân đến bác học là hình ảnh chứng thực cho một hiện hữu đối với chúng ta; thoát khỏi một quá khứ đen, một tương lai mịt mờ mà đi vào với hiện tại của sáng tạo, không những thế; thức tỉnh giữa cuộc đời chính là cái mơ trở về.

Theo nhãn quan tâm lý học: mơ-về là ý thức trôi chảy của hoài vọng, một ray rứt không đạt tới ‘en suivant la pente de la rêverie’. Cho nên chi cái nhìn triết học tâm lý và cái nhìn của người nghệ sĩ hoàn toàn khác nhau, vì; ý thức thức tỉnh đối lập với ý thức thức tỉnh nghệ thuật. Thức tỉnh của người nghệ sĩ là mơ về để nhận diện cuộc đời là cả một quá trình thời gian đòi hỏi. Mà mỗi khi mơ về (rêver à / dreaming day) là buông thả để tùy thuộc cho sự quay về. Cái nhìn mơ mộng là tác động trôi chảy của tâm sinh lý, mà mơ là để biến mình vào ngôn từ trong ca dao hay thi ca: Tiếp tục đọc

Quê hương ngày trở lại (kỳ 2)

Gallery

This gallery contains 1 photo.

Thụy Khuê

(tiếp theo kỳ trước: https://trangvhntnguoncoi.wordpress.com/2019/05/16/que-huong-ngay-tro-lai-ky-1/

Côn Đảo

Từ Sài Gòn, chúng tôi lấy máy bay ra Côn Đảo.

Chiếc máy bay nhỏ chở đầy hành khách, không một chỗ hở. Mọi người cười nói ồn ào, dường như quen nhau cả. Tôi để ý: hầu như không có người Nam, máy bay chở toàn người Bắc. Có lẽ đây là một đoàn du lịch có tổ chức, mà chúng tôi là hai người lạ duy nhất lạc vào, lại ăn mặc lôi thôi, không giống ai. Tôi đã chú ý đến đám này ngay từ lúc đứng xếp hàng ở Tân Sơn Nhất, vì ông già nhà tôi (kẻ hay than phiền nhất thế giới) lầu bầu rằng mình đến trước mà bị người đến sau lấn chỗ, lời qua tiếng lại với một người đàn ông cao lớn như Tây, áng chừng là trưởng đoàn; thế là ông Tây ta tay dứ nắm đấm định đánh: “Thằng già điên, liệu hồn, muốn chết hử?”. Tôi vội vàng líu ríu xin lỗi, vì sợ ông lỡ tay đánh thật thì ông già nhà tôi ra ma ngay.

Từ lúc ấy tôi mới quan sát phái đoàn kỹ hơn: Các ông bà đều mặc quần áo đắt tiền, cười nói oang oang như chỗ không người (y hệt bọn Tây đi du lịch các nước nhược tiểu cách đây mấy năm về trước) giọng en-nờ, e-lờ lẫn lộn. Các bà vận áo đầm đúng mốt, phấn son sặc sỡ, ví vuy-ton loại mới, tôi chắc ví thật. Thứ ví đầm này chúng tôi ở bên Pháp đã ba đời, không đời nào dám mua, vì giá nó đắt bằng một tháng lương người trung lưu, nhưng hai con cháu ngoại tôi lại chê xấu, chúng bảo chỉ tuyền một mầu nâu xỉn và in toàn chữ LV viết móc vào nhau, không có gì sáng tạo. Bây giờ nhà vuy-ton cũng thấy nhược điểm ấy rồi, họ tân trang mầu sắc rực rỡ chẳng kém gì các mác khác. Tiếp tục đọc

Quê hương ngày trở lại (kỳ 1)

Gallery

This gallery contains 1 photo.

Thụy Khuê

Về Sài Gòn tôi bị lạc. Tình trạng lạc hướng kéo dài trên taxi, xe ôm, đi một mình hay cùng gia đình, bè bạn, tôi thường lẩm nhẩm trong đầu: đường này Gia Long, Tự Do đây, chắc là Lê Văn Duyệt… Nhưng khi ra đến Hà Nội, lại tịnh không có sự lẩm nhẩm nào. Hôm tới Lê Văn Hưu ăn phở, dù phố này nay đã hoàn toàn khác với trí nhớ, tôi vẫn nhận ra: đây là Lê Văn Hưu, đi tới chút nữa rẽ ngang là phố Huế. Đèn phố Huế bẩy mươi năm qua chưa bao giờ tắt trong tôi.

Những tối gần Noël, một đứa nhỏ năm, sáu tuổi dí sát mũi vào cửa kính hàng bán đồ chơi, thèm thuồng nhìn mấy con búp bê Pháp, tóc vàng, mắt xanh mà mơ đến ngày nó sẽ được ôm một con búp bê như thế, nó sẽ chải tóc, thắt nơ cho nó như thế nào, nó chưa từng dám mơ đến một ngày sang Pháp. Hôm nay, từ phố Huế, đứa nhỏ bẩy mươi ba, bước trở lại Lê Văn Hưu, đi thêm chút nữa sẽ tới phố nhà nó: Thi Sách, số bẩy. Chợ Hôm mặc dù chỉ nuôi nó có 5 năm, từ 5 đến 10 tuổi, đã trở thành người vú chưa từng rời nó bao giờ. Tiếp tục đọc

NHỮNG GÓC CÀ PHÊ HUẾ

Gallery

This gallery contains 2 photos.

Trần Bạch Diệp

Đôi khi có “ước mơ” nho nhỏ, đi cho hết một vòng những quán cafe đẹp của Huế. Nói như kiểu ai đó vòi vĩnh và ai đó buông một câu vô tình. Muốn thì chạy xe mà tới chơ ước mơ chi.

Nói rứa để rồi thoáng lặng. Rồi người ta vẫn cứ phải một mình, cần được một mình luôn sẽ một mình. Và, cafe một mình trong một góc hẹp nào đó giữa lòng phố cổ mơ mộng? Bỗng thấy muốn ra phố, lập tức muốn ra phố dù đã hơn mười giờ khuya

Cafe Huế không khác nhiều về hương vị với những vùng miền khác. Tuy mỗi quán có thể thêm bớt vị gia cho hợp khách của mình. Nhiều quán hiện nay đang cố gắng đưa cafe quay trở lại mùi hương nguyên sơ của loại hạt này , ít gia vị nhất có thể. Điều này đem lại cảm giác thích thú cho nhiều người, nhất là những người xem thức uống này là thứ không thể thiếu vừa khi bắt đầu môt ngày mới.

Vị cafe không mấy khác nhưng người thưởng thức sẽ cảm thấy sự khác biệt của những không gian rất riêng. Những không gian hoà đồng hay riêng biệt, màu những chiếc ghế và chỗ ngồi quen thuộc, giai điệu âm nhạc vui tươi hay nhẹ nhàng xoa dịu. Cùng khói sương mơ, cùng nắng lấp loáng sông thơ những lùm cây nghiêng vai, những vĩa hè đá lát tường rêu ấm áp, những xưa cũ nguyên dấu thời gian những mới mẻ hồi sinh rộn ràng. Thơ mộng thế, bình yên thế chút trầm tư ta mang chẳng muốn giấu đi vì ngại ngần, cứ chảy tràn theo màu nước sông Hương lấp loáng trên cầu Dã viên đổ về Cồn Hến.
Tiếp tục đọc