Tây Sơn Quán anh hùng vui tương ngộ

Nhất thông sơn hà

Vũ Thanh

clip_image002

NHẤT THỐNG SƠN HÀ    

Hồi thứ ba

 

Tây Sơn Quán anh hùng vui tương ngộ

Bến Côn Giang, Giáo Hiến luận chữ “thời”

 …………..

Dòng Côn Giang cuối đông nước cuồn cuộn chảy. Trên chiếc thuyền có mái che, bốn bên để trống vách, neo tại một bến vắng bên bờ gần làng An Thái, cha con Giáo Hiến, Văn Đa và ba anh em Nhạc, Lữ, Huệ đang ngồi uống rượu luận bàn thế sự. Nguyễn Huệ châm rượu ra năm chiếc ly mời thầy và các anh. Nhạc nói:

–  Mời Thầy. Xin Thầy nói về chữ thời hiện nay trong năm chữ mà hôm trước Thầy nhắc đến xem hư thực thế nào?

Giáo Hiến uống xong ly rượu hỏi:

–  Anh chỉ hỏi về chữ thời tất bốn chữ kia các anh đã có, tôi muốn biết các anh đã làm được những gì?

Nhạc đáp:

–  Về “nhất vận”, tôi và chú Huệ vừa vô tình mà cùng một lúc thu về thanh thần kiếm của Vua Hỏa và bí kiếp Ô Long đao cùng cuốn Binh Thư Yếu Lược của Đức Thánh Trần. Thầy nghĩ xem như thế có phải đã được chữ “vận” chưa?

Giáo Hiến nghe Nhạc nói không khỏi ngạc nhiên hỏi:

–  Thật thế ư? Nói xem các anh đã được những báu vật này như thế nào?

Nguyễn Lữ mở gói vải quấn quanh thanh kiếm, Nguyễn Nhạc cầm đưa sang cho Giáo Hiến xem. Giáo Hiến rút kiếm ra khỏi vỏ quan sát thật kỹ, nét mặt không dấu được sự vui mừng, trong khi Nguyễn Huệ từ từ kể những sự việc xảy ra cho Giáo Hiến và Văn Đa nghe. Giáo Hiến nghe xong nói:

–  Thật là một vận may hiếm có. Cơ duyên này ngàn năm chỉ có một. Chữ “vận” như vậy là qúa đủ rồi. Chữ “tam phong thủy” thì khỏi phải nói tới, nhưng “tứ âm công” thì sao?

Huệ lại đem những việc anh Cả mình tráo long huyệt ở Hoành Sơn như thế nào kể cho Thầy nghe. Giáo Hiến lại tỏ vẻ mừng rỡ nói:

–  Thật là vừa hay vừa may. Nếu không, địa linh của chúng ta lại trở thành lợi khí cho bọn Tàu thì nguy hiểm vô cùng. Còn “ngũ độc thư”?

Nhạc nhìn Giáo Hiến nghiêm trang nói:

–  Có Thầy Giáo đây mà ngũ độc thư còn chưa đạt được hay sao?

Giáo Hiến mỉm cười đáp:

–  Anh qúa coi trọng tôi rồi. Một mình tôi cáng đáng sao hết việc của các anh đề ra. Phải có ít nhất năm sáu người như tôi mới tạm gọi là đủ, sau đó thì phải có hàng trăm người nữa mới gọi là đạt.

Nhạc nói:

–  Tôi có một vài người bạn thân là Trương Mỹ Ngọc ở An Nhơn, La Xuân Kiều ở Phù Cát, Nguyễn Văn Kim ở Quảng Ngãi. Mới đây Võ Văn Dũng lại giới thiệu tôi anh Võ Xuân Hòe ở Phú Phong, họ đều là những người có khả năng, đáng mặt kẻ sĩ trong thiên hạ.

Huệ chen vào:

–  Hôm trước em có gặp bốn anh em của Kỳ Sơn Tiều Hiệp Võ Thăng. Mấy anh Võ Thục, Võ Chất ở Nhạn Tháp có nhắc tới chuyện họ là bạn chữ nghĩa của mấy anh Mỹ Ngọc, Xuân Kiều, qua đó họ rất hâm mộ Thầy.

Giáo Hiến nói:

–  Cảm ơn anh. Như vậy cũng tạm đủ cho bước khởi đầu nhưng các anh không được lơ là việc tìm cầu kẻ sĩ trong thiên hạ. Việc trên Tây Sơn thượng thế nào?

Lữ hớn hở thưa:

–  Thưa Thầy rất tốt ạ. Chúng ta hiện đã có hàng ngàn mẫu đất canh tác, số lương thực thu hoạch có thể vừa nuôi bà con vừa nuôi một đội quân hai ngàn người trong vòng nửa năm. Về lực lượng thanh niên có thể trở thành chiến binh nay lên đến hơn ngàn người, chưa kể số chiến binh của các tộc thiểu số Tây Nguyên tình nguyện theo ta. Gom họ lại cũng phải trên ngàn người thiện chiến.

Giáo Hiến hỏi:

–  Như vậy là các anh đã thu phục được tất cả các sắc tộc ở Tây Nguyên rồi phải không?

Lữ cười đáp:

–  Thưa Thầy đúng vậy. Cả bộ tộc Sê Đăng cũng đã bị anh Cả làm cho qùi xuống tung hô “Đức Thầy Cả vô thượng”, “Đức Thượng Sư vô thượng” rồi.

Trương Văn Đa hỏi:

–  Các anh làm thế nào thu phục bọn Sê Đăng được vậy? Nghe nói bọn chúng rất hiếu chiến và cứng đầu vô cùng.

Lữ bèn kể lại chuyện Nhạc dùng bầy ngựa cái đã thuần hóa để dụ đàn ngựa thần ở núi Hiển Hách thế nào cho cha con Giáo Hiến nghe. Dứt chuyện, với cử chỉ đầy phấn khích, Lữ nói:

–  Mà cũng lạ lắm thưa Thầy. Con ngựa trắng đầu đàn từ lúc bị anh Cả thu phục nó bỗng ngoan ngoãn vô cùng, y như là ngựa được chủ nuôi dưỡng thuần hóa từ nhỏ trong chuồng vậy. Con ngựa thật kỳ vĩ, đúng là thần mã.

Giáo Hiến thầm phục trong lòng về cơ trí và sự quyền biến của Nguyễn Nhạc. Ông nói:

–  Ngựa hay cũng như hào kiệt thường chọn đúng chủ để thờ. Ông Cả là người có đại mạng nên con Bạch mã bất trị kia mới bị oai khí trấn áp.

Nhạc nghe Giáo Hiến nói không khỏi mừng thầm trong bụng, vội nói:

–  Thầy qúa khen tôi rồi.

Ông Giáo lại hỏi:

–  Nghe nói lực lượng của Nguyễn Thung và Huyền Khê ở Tuy Viễn và Phù Ly khá lớn, anh Nhạc đối phó với họ thế nào?

–  Tôi giao thiệp với họ trong tư thế thân hữu, đôi khi phải nhún mình cố tránh những điều đụng chạm dù nhỏ nhặt để tránh hiềm khích hầu thu phục họ dễ dàng hơn sau này. Trong khi đó tôi đã thuyết phục được anh em Chu Văn Tiếp ở Phú Yên và bà chúa Thị Hỏa ở miền núi trong đó.

Giáo Hiến hỏi tiếp:

–  Anh định dùng cách gì để thu phục bọn Nguyễn Thung?

–  Nguyễn Thung có tiền, có tài, lại có lực lượng, nhất là sau ngày hắn chiêu dụ được bọn cướp biển Lý Tài, Tập Đình để thao túng nguồn muối lậu nên rất tự tin và đã lộ rõ tham vọng. Tôi sợ rằng hắn sẽ sanh tâm khởi sự trước mình thì mối nguy không nhỏ. Lúc trước tôi có hơi lo, nhưng đến hôm nay thì tôi đã có chủ kiến rồi.

Giáo Hiến hỏi:

–  Chủ kiến thế nào?

Nhạc quay qua bảo Huệ:

–  Chú kể lại những thành qủa trong chuyến đi của chú vừa rồi cho Thầy Giáo nghe trước đi.

Huệ đem những điều mình thu được trong thời gian qua kể lại cho mọi người nghe, xong chàng nhìn Giáo Hiến nói:

–  Hai việc mà con cho là quan trọng đó là sự hợp tác của bang Hành Khất của anh Tiểu Phi và đội thám báo của Tín Nhi. Với hai lực lượng này, nếu làm cho họ lớn mạnh hơn nữa, huấn luyện thêm võ nghệ cho họ, ta sẽ biết được mọi động tịnh của những kẻ đối lập, từ đó mới có thể áp dụng câu: “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng” được.

Văn Đa hỏi:

–  Tín Nhi có phải là đệ tử của bác Hồng Liệt không?

Huệ đáp:

–  Đúng rồi.

Giáo Hiến nghe nhắc đến người bạn thân thuở trước, ngậm ngùi cất tiếng thở dài:

–  Bác Liệt của con là một người sống hào hùng, chết lẫm liệt. Tín Nhi cũng đáng khen không kém gì thầy của anh ta. Tín Nhi bây giờ ở đâu anh Huệ?

–  Anh ta đang trên đường vào Nam lùng tìm tên phản bội Chú Nhẫn và hứa khi nào đem được trái tim hắn về tế mộ anh em Truông Mây xong sẽ lên An Khê tìm con.

Huệ quay sang Nhạc hỏi:

–  Còn kho vũ khí ở Truông Mây và kho bảo vật của bác Hồng Liệt ở Trưng Sơn anh Cả tính sao?

Nhạc đáp:

–  Chú Lữ về trên đó bảo Tuyết mang theo một số anh em và ngựa thồ, bí mật xuống mang hết về An Khê. Còn bọn Hồ Thiết Thủ thì sao? Chừng nào họ mới về với chúng ta?

Huệ đáp:

–  Chờ hết mùa xuân mà Tín Nhi vẫn chưa về theo lời anh ta nói, em sẽ ra Phù Ly mời anh em Hồ Thiết Thủ. Người này đúng là một thợ rèn tài ba nhất thời đại này, anh ta đang nghĩ cách sáng chế một loại vũ khí đa dụng, chưa biết thế nào.

Nói xong Huệ rút thanh trủy thủ Thiết Phụng trong ống giày ra đưa cho Giáo Hiến xem. Giáo Hiến khen:

–  Đúng là bậc thầy trong nghề luyện kiếm. Tôi còn giữ cây Thanh Long kiếm của Cao Lỗ, nó được rèn cùng lúc với Ô Long đao. Lê Thái Tổ được thanh kiếm này dựng nên nhà Lê, tôi định khi nào các anh khởi sự sẽ trao cho Ông Cả đây.

Giáo Hiến dứt lời, Văn Đa mởi một gói vải lấy thanh kiếm ra. Giáo Hiến đưa tay rút thanh kiếm khỏi vỏ, một ánh sáng xanh biếc rực lên, hàn khí tỏa ra lạnh buốt. Nhạc mừng rỡ nói:

–  Vậy là chúng ta đang giữ cả những báu vật trong thiên hạ rồi còn gì nữa. Nhưng Nhạc tôi đã được Thần Hỏa ban cho thanh Thần kiếm, thanh kiếm Thanh Long thầy cứ trao cho chú Huệ. Làm tướng lãnh chỉ huy hàng vạn binh lính và tướng tá phải có thanh kiếm báu này trong tay, nhờ anh linh tổ tiên tăng thêm uy thế cho vị chủ soái chứ.

Huệ nói:

–  Anh Bảy chuyên về kiếm, nên giữ thanh kiếm đó đi.

Bảy Lữ cười nói:

–  Anh phụ trách việc hậu cần, lấy kiếm báu làm gì. Anh Cả đã giao cho chú tức là giao luôn cả trách nhiệm lớn điều binh khiển tướng sau này, chú nhận là phải rồi.

Giáo Hiến nói:

–  Như vậy cũng hay. Một vị tướng lãnh giỏi không cần phải ra giữa chiến trường mà phải biết vận trù quyết sách, hoạch định cơ mưu, uy nghiêm tướng lệnh cho thuộc hạ thi hành. Đó là điều người xưa thường nói “Ngồi trong màn trướng quyết thắng ngoài ngàn dặm”. Ông Cả đã nói vậy thì anh Huệ cứ nhận lấy để làm thanh kiếm lịnh trước ba quân.

Huệ nói:

–  Thầy và hai anh đã bảo thế, con xin nhận lấy kiếm và trách nhiệm này.

Giáo Hiến nghĩ thầm: “Đây có lẽ là sự sắp xếp của tổ tiên Việt tộc chăng?“. Ông thở ra một hơi khoan khoái hỏi:

–  Lúc nãy ông Cả nói đã có chủ kiến đối phó với Nguyễn Thung là sao, xin nói rõ cho?

Nhạc đáp, không dấu được vẻ hân hoan trên nét mặt:

–  Thầy đã nhìn thấy sáu người anh em mà chú Huệ giới thiệu về hôm qua rồi phải không? Thêm Nguyễn Văn Tuyết, bảy người họ như bảy con mãnh hổ, thêm một con phụng hoàng Bùi Thị Xuân nữa, mỗi người một vẻ, một tính cách nhưng đều là tay kiệt hiệt đời nay. Người bạn tôi là Nguyễn Văn Kim ở Quảng Ngãi cũng là tay văn võ song toàn. Nguyễn Thung và Huyền Khê chỉ thị vào đám cướp biển hung dữ Lý Tài để lên mặt. Tôi dự tính sang năm mới sẽ mời họ và bọn Chu Văn Tiếp đến Kiên Thành gặp mặt một lần. Nguyễn Thung nhìn thấy lực lượng chủ chốt của chúng ta mà không bở vía, xếp mình thì Thầy phạt sao tôi cũng chịu.

Giáo Hiến mỉm cười:

–  Đúng là một chủ kiến hay. Tôi tin anh đúng.

Nhạc nói:

–  Tôi chỉ còn chờ Thầy nõi rõ về chữ “thời” nữa là tôi vững chí tiến hành thực hiện câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” của Thầy truyền rao.

Giáo Hiến bưng ly rượu Huệ vừa rót hớp một hơi, chậm rải nói:

–  Cuộc chiến Truông Mây tuy thất bại nhưng đã để lại những hệ qủa to lớn, có lợi cho những kẻ muốn kế tiếp cuộc đấu tranh chống bọn cường thần.

– Thứ nhất: Hào khí Truông Mây vẫn còn hừng hực trong lòng người dân Đàng Trong, đặc biệt là tầng lớp đông đảo bá tánh cùng khổ. Tạo cho họ một mối hận thù với triều đình và sự tin tưởng đối với những nghĩa sĩ vì họ đứng lên. Hệ qủa này giúp các anh có thể thu phục họ dễ dàng hơn nếu mình chứng tỏ cho họ thấy mục đích cuối cùng việc làm của mình hoàn toàn là vì hạnh phúc của họ.

– Thứ hai: Sau cuộc chiến Truông Mây những đội quân tinh nhuệ của triều đình bị tổn thất rất lớn, nhất là quân đội phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Phú Yên. Đám lính mới bổ sung sau này toàn là bọn lão nhược, hay là con cái của những người cùng đinh không có tiền lo lót bọn quan trên. Bọn lính già thì sức đâu mà đánh, còn đám lính con nhà nghèo họ thù triều đình thấu xương nên ra trận họ không hết lòng. Chưa kể bọn quan tướng đều là những kẽ bất tài, vô học, nhờ có tiền mua chức tước nên được lãnh đạo. Tóm lại một đội quân như vậy thì chúng ta chỉ cần la ó ầm lên thì chúng đã quẳng giáo chạy dài, chưa cần xáp chiến.

Huệ nghe Giáo Hiến nói đến đây chợt mỉm cười. Giáo Hiến hỏi:

–  Anh Huệ có ý gì hay muốn nói phải không?

Huệ đáp:

–  Dạ không, con chỉ nghĩ đến sự trùng hợp về chữ la ó mà Tín Nhi và Thầy đã dùng giống nhau khi nói tới vấn đề này mà thôi.

Giáo Hiến mỉm cười nói:

–  Sau này anh lệnh cho quân sĩ mỗi khi xung trận cứ la ó lên để tăng uy thế cho mình, gây khiếp đảm cho địch cũng là một lợi khí về tâm lý đó chứ.

–  Dạ.

Ông Giáo nói tiếp:

– Thứ ba: Sau chiến thắng Truông Mây, bọn Quốc Phó hả hê, mặc sức làm càng, tạo thêm sự thù hận trong dân chúng. Lòng dân càng hận triều đình, sự lôi kéo của họ về phía chúng ta càng dễ. Điều quan trọng hơn là lòng kẻ sĩ trong thiên hạ cũng bắt đầu ngán ngẩm với nhà Chúa bây giờ. Thu phục lòng dân ta dễ thắng lợi. Thu phục được kẻ sĩ, thắng lợi của ta sẽ vững chắc, không bị hụt hẫng như Truông Mây. Muốn vậy, cuộc nổi dậy của các anh phải có chính nghĩa, không có chính nghĩa, kẻ sĩ sẽ phản đối hoặc quay lưng.

Giáo Hiến dừng lại bưng ly rượu Nguyễn Huệ vừa châm vào uống một hớp. Nhạc nóng ruột hỏi:

–  Còn những gì nữa Thầy?

Giáo Hiến để ly rượu xuống nói tiếp:

–  Thứ tư: Trong khi triều chính Đàng Trong mục rữa vì Quốc phó Trương Phúc Loan thì Đàng Ngoài, Trịnh Doanh lại cường thịnh, dẹp yên những cuộc nổi loạn trong nước. Kế đến Trịnh Sâm lên ngôi Chúa năm Đinh Hợi (1767), thì năm ngoái, Mậu Tý (1769) ông ta cũng đã dẹp yên hai cuộc nội loạn lớn của Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật. Nói chung tình hình quân sự ở Bắc Hà nay rất hùng mạnh, họ đang có ý dòm ngó Đàng Trong. Tôi tin rằng một khi Đàng Trong có biến, Đàng Ngoài họ sẽ dấy động can qua, chừng đó Chúa Nguyễn sẽ lâm đại họa.

Huệ lên tiếng:

–  Như vậy, chúng ta nên tiên hạ thủ vi cường, đánh chiếm ngay toàn dinh Quảng Nam và miền Diên Khánh, Trấn Biên. Chừng đó quân Trịnh thấy Đàng Trong đang loạn tất thừa thế tràn vào, quân Nguyễn buộc phải lo chống đỡ đại thù mặt Bắc, chúng ta ở trong này củng cố cơ cấu hành chánh và quân sự ngồi chờ làm ngư ông thủ lợi. Phải vậy không Thầy?

Giáo Hiến mỉm cười nhìn Huệ gật đầu khen:

–  Anh nhìn ra điều này qủa là người có tầm nhìn chiến lược lớn. Đúng vậy. Nhưng mà vị ngư ông này sau đó sẽ phải đối đầu với một con sóng dữ, đó là cả xứ Bắc Hà đang hùng mạnh tràn vào.

Ánh mắt Nguyễn Huệ long lanh một tia lửa, giọng qủa quyết:

–  Cho con một thời gian vài ba năm nữa để chuẩn bị thì con sóng Bắc Hà kia dù dữ đến đâu con cũng sẽ đạp nhầu.

Giáo Hiến nhìn Nguyễn Nhạc gật đầu rồi quay sang Huệ hỏi:

–  Anh vừa đi từ Quảng Nam vào đến Quy Nhơn, tình hình dân chúng lúc này ra sao?

Huệ đáp:

–  Xóm làng xơ xác, nhà nhà nghèo đói, người người khổ cực, ăn mày nhan nhản khắp nơi. Có điều lạ là người dân bây giờ không còn than vãn nữa, họ sống im lặng và cam chịu.

Nét mặt Giáo Hiến lộ rõ sự vui mừng, ông nhìn Nguyễn Nhạc nói:

–  Anh bắt đầu khởi sự được rồi đó.

Nhạc hơi ngạc nhiên hỏi:

–  Thầy nghe nói dân chúng im lặng không phản đối triều đình nữa thì Thầy hớn hở bảo tôi khởi sự ngay là sao?

Giáo Hiến nghiêm nghị đáp:

–  Bá tánh một khi đã im lặng và cam chịu sống dưới ách bóc lột và áp chế hiện nay của triều đình, tức là sự phản đối và căm hận trong lòng họ đã lên đến cùng cực. Tình hình hiện nay đã như một ly nước đầy vun, chỉ cần có một viên sạn nhỏ thả vào nó cũng sẽ tràn ra rồi nổ tung.

Nhạc vỡ lẽ, phấn chấn hỏi tới:

–  Như vậy chữ “thời” chúng ta cũng đã đạt được rồi phải không Thầy?

–  Năm ngoái sao chổi xuất hiện, những điều truyền tụng trong dân gian nay đã hội đủ. Các anh đã thêm được chữ thời nữa rồi.

Nhạc hỏi:

–  Chúng ta bắt đầu thế nào?

–  Đẩy mạnh sự kêu gọi bá tánh và anh hùng trong thiên hạ về Tây Sơn tụ nghĩa. Chuẩn bị lương thực, rèn thêm vũ khí, huấn luyện binh sĩ và tướng lãnh cầm quân. Khi điều kiện chín muồi thì như một tiếng sét không kịp bưng tai phải lấy cho được hai phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi làm căn bản cho phong trào, sau đó tuần tự nhi tiến mà lớn mạnh lên.

Nhạc hỏi:

–  Sao chỉ lấy hai phủ mà không lấy luôn Quảng Nam?

Giáo Hiến nói:

–  Quảng Nam là nơi trọng binh chúa Nguyễn trú đóng, lại gần Phú Xuân. Chúng ta lấy đất để làm căn bản trước rồi sau đó phát triển thêm ra. Nếu lấy nhiều mà không giữ nổi thì chỉ tốn công sức và nhân mạng mà không lợi lộc gì. Bởi vậy chỉ lấy những gì mà trước mắt, với lực lượng non yếu của phong trào có thể giữ được mà thôi.

Nhạc nói:

–  Nếu chúng ta khởi sự, tất cả những gia đình liên hệ buộc phải dọn hết lên Tây Sơn thượng để bảo đảm an toàn. Gia đình Thầy cũng phải chịu khó vậy.

Giáo Hiến nói:

–  Khi nào ông Cả nói đi thì chúng tôi sẽ theo.

Huệ nhìn Nhạc hỏi:

–  Gần đây mấy tay hát bội cũ là Tứ Linh và Nhưng Huy đã rã gánh bỏ lên An Tượng tụ tập đồ đảng làm ăn cướp, em định ghé lên mời họ về hợp tác với mình, anh Cả thấy sao?

Nhạc nói:

–  Được đấy. Hai tên này nghe nói võ nghệ rất khá lại quen biết nhiều, xong việc, chú lên trên thượng chuẩn bị việc huấn luyện quân sĩ là vừa.

Nhạc lại hỏi Giáo Hiến:

–  Số học trò của Thầy sẽ theo về với phong trào chứ phải không?

Giáo Hiến đáp:

–  Tôi sẽ hỏi họ. Anh Huệ khi tuyển tướng nên chú ý đến Đặng Văn Long. Sau Lữ, và anh, Văn Long là đứa khá nhất.

–  Dạ, con biết.

Nguyễn Nhạc bỗng sửa lại thế ngồi ngay ngắn, đưa mắt e dè nhìn Giáo Hiến. Giáo Hiến biết ý nên hỏi trước:

–  Ông Cả có điều gì khó nói phải không?

Nhạc đáp:

–  Có việc này muốn nhờ Thầy thu xếp giùm nhưng hơi ngại nói.

Giáo Hiến mỉm cười:

–  Giữa chúng ta, Ông Cả không cần e ngại. Tôi giúp được sẽ không từ nan.

Nhạc nói:

–  Chúng ta đang có trong tay những bảo vật trấn quốc của tổ tiên. Tôi muốn noi theo gương của Lê Thái Tổ để tạo thêm sự tin tưởng trong lòng dân chúng.

Giáo Hiến hiểu ý, vui vẻ nói:

–  Việc này rất nên. Hơn nữa, hai thanh thần kiếm cùng lúc về tay chúng ta là điều chỉ có trời ban cho mới được, ông Cả đâu cần e dè. Tôi sẽ thu xếp vụ này giúp các người.

Nhạc mừng rỡ hỏi:

–  Tôi cần phải chuẩn bị những gì?

Giáo Hiến hỏi:

–  Hình như sắp đến ngày giỗ của Cụ thân sinh ông Cả phải không?

–  Đúng thế. Trí nhớ Thầy còn tốt qúa.

Giáo Hiến nói:

–  Nên tổ chức giỗ Cụ vào chiều tối ở nhà cũ nơi Phú Lạc. Ông Cả cho mời đông đảo bà con đến dự, sau đó cứ làm như vầy..như vầy..

Nhạc nghe Giáo Hiến bày kế, trong lòng hết sức mừng rỡ.

 

Bình luận về bài viết này