Nhà Phật phê phán tình dục đồng tính?

Nhà Phật phê phán tình dục đồng tính?

 

Hiện nay, người đồng tính vẫn bị không ít người trong xã hội nhìn bằng đôi mắt kỳ thị, thiếu thiện cảm, khiến họ phải sống nép mình, và chịu nhiều khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Vậy nhà Phật quan niệm và nhìn họ với thái độ như thế nào?

 

Góc nhìn của nhà Phật

Giáo lý nhà Phật cho rằng ái dục là một trong mười hai mắt xích nhân duyên quan trọng trói buộc chúng sinh trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi.

“Vì vậy, đối với người xuất gia tầm cầu sự giải thoát, giới luật nhà Phật hoàn toàn cấm các tu sỹ quan hệ tình dục dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả quan hệ tình dục đồng tính. Nếu vị xuất gia nào phạm giới dâm dục thì phải bị trục xuất khỏi tăng đoàn nhà Phật.” – Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm (Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết.

Tuy nhiên, giới luật nhà Phật không cấm người tại gia quan hệ tình dục. Nhà Phật chỉ khuyên răn họ nên giữ gìn giới tà dâm (không quan hệ chăn gối với người không phải là vợ hay chồng của mình, không quan hệ tình dục với trẻ em vị thành niên, không cưỡng dâm, không quan hệ với người cùng huyết thống và không loạn luân – PV), một trong năm giới dành cho người phật tử tại gia, để đảm bảo hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Đại đức Thích Minh Trí cũng khẳng định, không có bất kỳ một giới luật nào của nhà Phật không cho phép người phật tử tại gia quan hệ tình dục đồng tính. Dù là người đồng tính luyến ái hay dị tính luyến ái, khi phát tâm muốn làm đệ tử của nhà Phật, họ đều được chư tăng ni truyền thọ Tam quy (nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng – PV) và Ngũ giới (không sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối và uống chất có cồn – PV) như nhau.

Trong tất cả kinh điển, không hề có việc Đức Phật phê phán về phương diện đạo đức đối với tình dục đồng tính.

Ngay khi còn tại thế, Đức Phật cũng từng vạch ra ranh giới giữa quan hệ chăn gối hợp pháp và bất hợp pháp. Tuy nhiên, ngài không hề đề cập đến bất cứ một điều gì về hương vị của quan hệ tình dục hoặc sở thích về giới tính. Đức Phật chỉ chú trọng nhiều đến khía cạnh luân thường đạo lý trong quan hệ tình dục hơn là vấn đề giới tính.

Hơn nữa, nhà Phật không cho phép tu sỹ cùng giới tính ngủ chung một giường quá ba đêm. Rõ ràng vào thời của Đức Phật không phải không có những người đồng tính.

Thế nhưng, xuyên suốt những lời giảng dạy của Đức Phật trong kinh điển, vẫn không hề có việc ngài phê phán về phương diện đạo đức đối với người có hành động tình dục đồng tính.

Đồng tính không phải bây giờ mới có

Dưới góc nhìn của nhà Phật, giới tính có thể thay đổi từ đời này sang đời khác theo thuyết luân hồi. Một số Phật tử quan niệm rằng đồng tính là kết quả của giới tính kiếp trước thể hiện trong đời sống hiện tại và vì nghiệp báo mà người nam trở thành người nữ và ngược lại…

Những sự biến đổi như thế không ảnh hưởng đến việc người đồng tính rèn luyện về nhân cách sống để hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ.

Theo thầy Minh Trí, dù là người đồng tính luyến ái hay dị tính luyến ái nếu phạm giới tà dâm thì đều nhận hậu quả bất hạnh như nhau. Do đó, người đồng tính luyến ái cần phải sống một đời sống tiết hạnh giống như người dị tính luyến ái mặc dù luật pháp Việt Nam hiện vẫn chưa có điều khoản nào cho phép người đồng tính kết hôn.

Các phụ huynh cần nhìn nhận vấn đề đồng tính luyến ái của con cháu mình là hiện tượng bình thường.

Trong ảnh, một bà mẹ có con là người đồng tính đang tâm sự với PV Kienthuc.net.vn

Nếu người đồng tính là một phật tử, họ nên gìn giữ Ngũ giới, vì đối với Phật giáo, Năm giới là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc của gia đình và của xã hội, là những nguyên tắc căn bản dẫn mọi người về hướng an lạc, giải thoát, và giác ngộ.

Thực hành theo Năm giới, người đồng tính có thể tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng cũng như tránh được cái nhìn thiếu thiện cảm của không ít người, thầy Minh Trí nhấn mạnh.

Trong quan hệ với gia đình, thân bằng quyến thuộc và xã hội, người đồng tính cũng cần hành xử theo tinh thần Đức Phật đã dạy trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singalovada Suttanta), như tôn kính cha mẹ, thầy dạy, vợ/chồng con, bạn bè, quyến thuộc, láng giềng, thợ thuyền, tu sĩ và đạo sư.

Ngày nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Tâm thần học Mỹ (APA) đã xác định đồng tính luyến ái không phải là bệnh, dù là sinh lý hay tâm lý, và đã loại hiện tượng này ra khỏi danh sách các chứng bệnh.

“Đồng tính luyến tính không phải là bệnh thì làm sao chữa khỏi? Là nghiệp lực của mỗi người thì chỉ có người đồng tính mới có thể cải nghiệp của họ. Không ai có thể thay đổi được bản chất đồng tính luyến ái của họ được.

Do đó, các phụ huynh cần bình tĩnh sáng suốt nhìn nhận vấn đề đồng tính luyến ái của con cháu mình là hiện tượng bình thường. Nên chia sẻ, cảm thông với con cháu đồng tính của mình. Đừng vì sĩ diện gia đình và các định kiến xã hội, vô tình đẩy họ vào chỗ đáng tiếc, không có lối thoát.” – thầy Minh Trí chia sẻ.

Quần Anh

Bình luận về bài viết này