Hoàng Xuân Sơn – với TỎ TÌNH – Tập Thơ Khê Kinh Kha

H  Ồ N   Đ Ấ T   C Ũ

Hoàng Xuân Sơn bạt

     Tôi là một kẻ làm thơ vần điệu . Mấy năm gần đây cũng không khỏi nao lòng, thao thức cùng vận hội đổi mới của nền thơ Việt hiện đại .

     Đổi mới ? À, cũng nên lắm chứ ! Cần mang lại một luồng sinh khí mới cho sáng tác . Chẳng lẽ cứ trì trệ, bế tắc mãi hoài trong vần điệu du dương . Chẳng lẽ cứ gậm nhấm rủrỉrùrì thức ăn cũ như một loài nhai lại ? Đã có nhiều tranh cãi chưa đi đến đâu giữa sự tương phản hai luồng thơ cũ mới .

     Vậy mà tôi đã lăm le, lai rai hưởng ứng bận trang phục mùa màng cho thơ . Muốn phá vỡ hình thức cũ mang lại tự do diễn tả nội dung tình ý mới ư ? Ừ, thì thơ bí hiểm có . Tượng trưng có . Aån dụ có . Và ngay cả tân hình thức, cũng vung tay phóng bút ra gì . Vậy mà rốt cuộc chẳng ra làm sao . Rồi, tình cũ không rủ cũng về . Cứ mỗi khi chiều xuống, cảm cái buồn bã cô đơn của đất trời, của mình, tôi mần thơ điệu đàng phùng xòe trở lại . Nghiệm cho cùng cũ mới chi rồi cũng rứa . Đông tây đời biết lặn về mô ? Miễn là còn nuôi hi vọng sáng tác . Phải vậy không bạn ?

           Trở về vần điệu du dương
           là đi hết một con đường thăng ca
           tự mình lĩnh xướng
          ê
                 a
           một khúc giao hưởng
                                      cũng là cách tân
                                          . . . (HXS)

     Tôi cũng hết sức đồng ý với nhiều bạn văn : một bài thơ đọc được hoặc một bài thơ hay có thể hiện diện trong bất cứ dạng thức sáng tác nào . Tình ý diễn đạt là tình ý thật, không màu mè giả dối . Không cường điệu . Và chung nhất : thơ phải có hồn .

     Một người làm thơ lúc nào cũng giữ được hồn thơ mình . Cho dù lâu năm mới cầm bút trở lại . Tôi muốn nói tới người làm thơ mang bút hiệu Khê Kinh Kha ( KKK viết tăt, bạn đừng có nghĩ tới cái nghĩa ghê gớm khác của từ này )
     KKK làm thơ sớm . Thơ anh xuất hiện vào những năm đầu của thập niên 60 ở bách Khoa, Văn Học … dưới bút hiệu Lê Thị Minh Đức hoặc ký tên thật Nguyễn Xuân Hùng . Nhưng thật tình mà nói, những sáng tác mang tên Khê Kinh Kha đăng ở tờ Văn mới gây được sự chú ý đáng kể từ khi anh xa nhà du học vào năm 1967 . Đấy là những lời vọng cố hương tha thiết ăm ắp nỗi lòng của kẻ xa xứ .

       Đã lâu rồi hồn mình quên xao động
       như cánh diều không còn gió thoảng bay
       như lá vàng im lìm trong mưa lạnh
      chết âm thầm trên thảm cỏ xác xơ
      như mùa đông về đây không hẹn trước
      tuyết vô tình phủ kín lòng quạnh hiu

                           . . . . .
      đã lâu rồi anh như mây lạc hướng
      đi giữa đêm sâu không ánh trăng vàng
      không thấy được hiện tại trên đôi tay
      cũng không biết về đâu một ngày mai . . .   
                           ( Đã Lâu Rồi – KKK )

     KKK là kẻ mang nặng hồn quê tình nhà trong huyết thống . Chuỗi ngày tha hương hầu hết là những buổi cơm anh cố ăn để sống – mà trong lòng nước mắt cứ như canh .
     Không hiểu tại sao bút hiệu của anh lại mang tên một tráng sĩ thời chiến quốc ôm mộng vượt sông dài diệt hôn quân bạo chúa . Có lẽ nào gã thư sinh tay yếu chân mềm ấy ? Có lẽ ở muôn trùng cách biệt, anh chỉ muốn làm một tiểu Kinh Kha  băng qua dòng suối nhỏ tìm lại dấu quê đã mờ nhạt dần trong tâm thức phường lưu xứ ?

     Một trong những bài thơ của KKK mang dấu ấn sâu đậm về nơi chốn sinh thành là Anh Sẽ Về . Nguyễn Hữu Nghĩa đã phổ nhạc khá thành công bài thơ này . Ý nhạc bắt kịp lời thơ tạo được nét hài hòa cảm xúc . Đám du ca bọn tôi vẫn thường nghêu ngao chia bè hợp xướng ;

           Anh sẽ về em ơi anh sẽ về
          về nơi ngôi nhà vách đất với hàng hoa thơm
          nơi con đê già nơi cây cầu tre
          nơi con đường đất dấu chân trâu bò
 .                                                                                            . . . .

     Một giọng nam lĩnh xướng điệp khúc :

          đưa em vào gió
               khẽ trao cành hoa
                 ra sau vườn nhỏ
                 trồng lại cho em dây hoàng lan
                             hương đậm thêm

      và tất cả cùng vào lại :

     Anh sẽ về em ơi anh sẽ về
    dù đêm không cùng hay mất hết người thân yêu
    cho em theo chồng – cho chim về xa
    sẽ gắng quay về chết nơi ra đời

     Hát lên đi bạn ơi ! Hát lên bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu bạn cũng sẽ được sống lại khung trời hoa mộng của quê nhà rất đỗi thân thương . Hát lên cho

quên sầu nhớ . Ở một thời nào . Tưởng chừng xa lắm . Mà thật gần gủi .

     Bẵng đi một dạo thật lâu ( dễ chừng trên dưới 20 năm ), KKK không còn cầm bút . Chẳng là vết thương nhức nhối tháng tư bảy lăm đã làm lặng người một kẻ xa quê đến thế ư ? Hay tại vì một hoàn cảnh nào không tiện bộc bạch ? Tôi không tin như thế . Tình cũ ôi tình cũ . ai rủ về ! Chất thơ đã chảy đậm đà nên huyết quản . làm thế nào có thể ngưng dòng mực ? Làm thế nào chối bỏ được linh quyền của một thi sĩ ? Và điều đã được chứng nghiệm : từ hai ngàn lẻ năm, thơ KKK hồi sức nở rộ trên khắp mặt báo . Tôi vui mừng thấy anh cầm bút trở lại  . Và chào mừng trang nhà Giao Cảm ra đời  ( http://giaocam.saigonline.com )

     Đầu năm 2005, tuyển tập thơ nhạc Tỏ Tình được Thư Aán Quán ấn hành đã khai sinh đứa con đầu lòng của “lão Bạng” Khê Kinh Kha ( Đến đây phải mở dấu ngoặc để ca ngợi công trình của bạn Trần Hoài Thư và anh em Thư Quán Bản Thảo . Với phương tiện hàn sĩ và việc vàng lút đầu, các bạn đã không ngừng cố gắng làm sống lại “ cơ ngơi “ của những ngòi bút cũ, một thời vang bóng . Nào là  Từ Thế Mộng, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Hữu Định, Linh Phương, Hoài Khanh v.v ) .

     KKK là người tài hoa . Anh vừa làm thơ, vừa soạn nhạc . Điều này cũng không đáng ngạc nhiên .

Những năm xa xưa ở quê nhà KKK đã từng là một tay trống có hạng của một ban nhạc trẻ . Tập Tỏ Tình gồm hai phần thơ/nhạc cân phân . Dù tuyển tập thơ nhạc có những lời tỏ tình dễ thương cho người nữ như : mây lãng đãng dưới dòng sông tư lự – em qua cầu tóc rối cả thơ tôi . Hoặc như : phải chi hoa là em – xin nở một nụ hồng – giữa đời tôi băng giá . . . vì em là thiếu nữ – ngón tay dài sen nở – áo bay trời thiết tha
v. v . Sở trưòng của KKK , theo tôi là những lời tỏ tình bất tận với quê nhà . Lời tạ tình của gã giang hồ xa quê, đã bao năm thất lạc dấu đời mình .

           Xin làm mây bay về qua chốn cũ – thăm những con đường bóng mát tuổi mộng mơ – giữa núi cao nhỏ từng giọt mưa tình – cho đất khô hân hoan tìm lại bờ lau ngọn cỏ – rừng cây xưa thêm lá rộng đam mê, và tình ai miên man như sóng vỗ . . .

             Nếu một mai mưa về trên thác lũ
             dưới hiên xưa xin nằm chết hân hoan
             hơi thở cuối xin dành tạ ơn mẹ
            trái tim nồng nở nụ hồng trao em
            và thân xác làm phân bón núi sông

     KKK sử dụng nhiều thể thơ trong tập tỏ tình : bốn chữ, năm chữ, thất ngôn, lục bát v.v . Nhưng cũng vẫn theo ý riêng tôi, KKK thành công nhất nơi

thể điệu thơ tự do, hoặc thơ xuôi . Chính nơi này, anh đã kể lể nỗi niềm được nhiều hơn . Diễn đạt chiều sâu tâm linh được tận tình hơn .

                              Nếu một mai khi hòa bình đến với mớ tuổi còn lại – lúc bấy giờ dù đang chui rúc trong hầm tối – dù đang lạc loài trong ngõ ngách – dù đang ốm đau trong rừng già – cũng nhớ trở lại ngôi nhà mẹ cha xây mộng ngày xưa cũ, trồng lại vườn nhãn – làm cỏ những nấm mồ người thân yêu – tìm lại những kẻ còn trôi giạt – nhóm lại bếp lửa mùa đông . . .

     Và bạn hãy đọc thêm chút nữa, ký ức của một kẻ mù đường :

           Hình như có thêm một chiếc răng cời
           hồn nhiên như chim sẻ trước sân
          như cánh bướm lênh đênh
          như vì sao nhỏ bé
         trong ngưỡng hồn hiu quạnh
         của tháng ngày bom đạn và hầm hố

         hình như
         có những buổi sáng nhìn nhau ái ngại
         như góa phụ, chiến tranh và tuổi trẻ
         như những giọt sương đọng trên sân cỏ
         thật bình thường như hơi thở em ơi  . . .

 Tháng năm cuối đời, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền đã cảm nhận hết linh khí của đất trời . Đã nghe được tiếng Vang Vang Trời Vào Xuân . Tôi muốn được sống cái cảm thức ấy . Tôi muốn đọc và mời bạn cùng đọc Khê Kinh Kha . Để nghe lại một chút rưng rưng . Hồn đất cũ .

HOÀNG XUÂN SƠN
Cuối hạ năm hai nghìn không sáu

ANH SẼ VỀ

 Thơ Khê Kinh Kha

Nhạc Nguyễn Hữu Nghĩa

Trình Bày: Việt Dzũng – Nguyệt Ánh – Nguyễn Hữu Nghĩa

 

Anh sẽ về, em ơi, anh sẽ về
về nơi ngôi nhà vắt đất với hàng hoa thơm
nơi con đê gìa
nơi cây cầu tre
nơi con đường đất dấu chân trâu bò …

 

Anh sẽ về, em ơi, anh sẽ về
về trên sông rộng ôm hềt cánh đông xanh lam
hôn em hôn mẹ
hôn bao người thân
sẽ nói sẽ cười
sẽ vui nhiều hơn

 

đưa em vào gió
khẻ trao cành hoa
ra sau vườn nhò
trồng lại cho em
giây hoàng lan
hương đậm thêm

 

Anh sẽ về, em ơi, anh sẽ về
dù đêm không cùng hay mầt những người thân yêu
cho em theo chồng
cho chim về xa
sẽ gắng quay về
chết nơi ra đời ….

 

Khê Kinh Kha
(Michigan 1968)

 

2 thoughts on “Hoàng Xuân Sơn – với TỎ TÌNH – Tập Thơ Khê Kinh Kha

  1. HỒN ĐẤT CŨ của Hoàng Xuân Sơn rất hay !Đã giúp cho tôi hiểu thêm về quá trình sáng tác & niềm đam mê thơ nhạc của thi nhạc sĩ KKK ,một con người tài hoa mà từ lâu tôi chưa hiểu hết!
    Điều làm tôi ngạc nhiên….ngoài tài làm thơ,soạn nhạc trước kia anh còn là một tay trống trong ban nhạc trẻ nữa, KKK quá tuyệt ,rất ngưỡng mộ !
    Những lời nhận xét của tác giả về KKK thật sâu sắc,chí tình,& xác thực …. đúng như tác giả viết sở trường của KKK là những lời tỏ tình về quê hương về tình yêu đôi lứa là bất tận……nên tôi đã yêu thơ,nhạc KKK là ở điều này!
    Cám ơn Hoàng Xuân Sơn đã có một bài viết hay ! Cám ơn KKK đã chia xẻ cùng bạn đọc!

    • Cám ơn Ô/Bà Trần Kim Loan đã có những chia sẻ giao cảm văn nghệ rất quý. Cám ơn KKK đã đăng lại lời bạt tập thơ Tỏ Tình .

      Trân trọng,
      HXS

Bình luận về bài viết này